A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình về tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thị trường xăng dầu nước ta cơ bản được ổn định, tổng nguồn cung không thiếu, giá cả hợp lý...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư, sáng 28-10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. 

Tình trạng thiếu xăng dầu thời gian qua ở một số tỉnh, thành phố là nội dung được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến. 

Làm rõ xăng dầu "thiếu thật" hay "thiếu giả"

Cho ý kiến tại phiên họp, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho rằng, vấn đề xăng dầu "thiếu thật" hay "thiếu giả" cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Theo đại biểu, chúng ta đã có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn bảo đảm tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%. Tuy nhiên, thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng "hết xăng" tại một loạt các cây xăng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) cho rằng, vấn đề xăng dầu "thiếu thật" hay "thiếu giả" cần phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài. Ảnh: Trọng Hải

Đại biểu nhấn mạnh, xăng dầu là nhiên liệu, một đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia. Giá xăng, dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân. Do đó, giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất, kinh doanh sẽ phát triển, sẽ có tăng trưởng kinh tế và Nhà nước sẽ lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế.

"Tôi cho rằng cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế và phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan", nữ đại biểu đề xuất.

Nhiều giải pháp cho việc cung ứng xăng dầu

Trước những ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội xung quanh tình hình cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước, nhất là tại hai thành phố lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có những giải trình, làm rõ tại  phiên thảo luận về nội dung này.

Về tình hình cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đồng tình và chia sẻ với những nỗi băn khoăn của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, xăng dầu là vật tư chiến lược, có ý nghĩa sống còn của mọi nền kinh tế. Vấn đề khủng hoảng năng lượng đã, đang và sẽ ngày càng trở nên trầm trọng trong phạm vi toàn cầu.

Ở nước ta, theo quy định hiện hành, vấn đề quản lý cung ứng, kinh doanh xăng dầu được giao cho 7 bộ, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền 63 tỉnh, thành phố thực hiện. Để làm tốt công tác này, cần có sự hợp tác chặt chẽ, nhuần nhuyễn, hiệu quả, nhất là trong bối cảnh có nhiều biến động.

Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chính là lập kế hoạch tạo nguồn cung ứng, cùng chính quyền địa phương quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Tuy nhiên, ngành công thương cần sự ủng hộ, giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại trong việc cho vay, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp xăng dầu, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hệ thống phân phối.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giải trình về việc thiếu xăng dầu. Ảnh: Trọng Hải

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã nỗ lực cố gắng trong quyết sách cấp trong chỉ đạo điều hành thông qua các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn và cả chính sách xã hội.

Vì thế, thị trường xăng dầu nước ta cơ bản được ổn định, tổng nguồn cung không thiếu, giá cả hợp lý và luôn ở nhóm nước có mức giá bán lẻ thấp nhất trong khu vực và thế giới.

"Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống phân phối, thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam là điều rất đáng tiếc và bất thường. Bởi dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau nhưng phần lớn các tỉnh, thành phố, nhất là phía Bắc và miền Trung thì không xảy ra như vậy", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn thừa nhận. 

Về giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết, tập trung chỉ đạo hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh phân phối chia sẻ nguồn cung trong dự trữ của mình để kịp thời chi viện, ứng cứu trong điều hành; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng - đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xăng dầu có thể tồn tại, phát huy vai trò quan trọng của mình trong cung ứng cho xã hội cho mặt hàng đặc biệt này.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, để doanh nghiệp xăng dầu không lỗ và có lỗ thì cũng trong khả năng chịu được ở thời điểm thị trường xăng dầu có nhiều biến động thì Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ và cùng các cơ quan chức năng tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết để điều hành giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với biến động giá thế giới, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai phần mềm quản lý, phân phối kinh doanh xăng, dầu thống nhất trực tiếp từ Bộ Công Thương đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối và thực hiện phân phối; từ các tỉnh, thành phố đến các đại lý bán lẻ trong cả nước nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác, minh bạch, kịp thời.

Cùng với đó, khẩn trương triển khai rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu...

NGUYỄN THẢO – CHIẾN THẮNG


Tags: xăng dầu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết