A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Đề nghị xem xét cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu.

Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sáng 27/10, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ, đặc biệt là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội mang tính khách quan và khoa học.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Bộ Công Thương đã vào cuộc tích cực
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội trường Quốc hội

Đại biểu vui mừng với những thông tin tích cực trong 10 tháng qua trong bối cảnh tình hình thế giới không thuận lợi, có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt, cộng với cú sốc khủng hoảng năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu từ tác động tiêu cực xung đột Nga - Ukraina đã làm thổi bùng lên cơn sóng lạm phát trên toàn thế giới.

Nhiều quốc gia đã vượt đỉnh lạm phát trong vòng 30-40 năm qua. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, lạm phát toàn cầu sẽ tăng từ 4,7% lên 8,8% năm 2022. Khi lạm phát tăng cao buộc các nước phải uống "liều thuốc" đắng đó chính là tăng lãi suất điều hành và đã có hơn 90 ngân hàng trung ương trên các nước tăng lãi suất, từ đó tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng.

IMF dự báo kinh tế suy giảm và có khả năng suy thoái trên thế giới. Nêu những tác động tiêu cực ở trên để thấy rằng những kết quả chúng ta đạt được trong thời gian vừa qua là hết sức trân quý, tăng trưởng kinh tế cao, đã đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, công tác xây dựng hoàn thiện thể chế ngày càng được tăng cường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, xuất siêu, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được đảm bảo, quốc phòng, an ninh được tăng cường, độc lập chủ quyền được giữ vững, góp phần tăng cường, củng cố nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Giải quyết 7 thách thức của nền kinh tế bằng cách nào?

Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ, Chính phủ cũng nhìn nhận nước ta cũng còn nhiều khó khăn và thách thức. Thứ nhất, cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu.

"Theo tôi, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, xử lý nhanh các doanh nghiệp kém hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, hướng đến các công trình, dự án lớn mang tầm quốc gia, nhất là đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng công nghiệp vật liệu, công nghiệp luyện kim, cơ khí…" - đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu.

Thứ hai là hoạt động sản xuất kinh doanh cho một số ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn về vốn, tỷ giá, lao động, về thuế và phí. Trong thời gian vừa qua, khi chúng ta triển khai Nghị quyết 43 thì có nhiều gói triển khai thuận lợi nhưng có gói không thuận lợi, cụ thể như gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

"Cho đến nay mới giải ngân được có 12,8 tỷ so với kế hoạch là 40 ngàn tỷ, đạt 0,03% so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, gói hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thuế thì chúng ta triển khai thuận lợi hơn và đến nay đã đạt được 72,5% so với kế hoạch" - đại biểu Trần Hoàng Ngân thông tin.

Vì vậy, đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Như vậy sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Thứ ba, thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện nay tuy vẫn tăng, nhưng gặp khó khăn trong chuyển giao công nghệ, liên kết giữa khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với khu vực kinh tế trong nước.

“Vì vậy, trong thời gian tới cần thận trọng hơn trong thu hút FDI, không vì tăng trưởng, không vì thành tích địa phương mà cấp phép ồ ạt vì có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh, năng lượng và môi trường”- đại biểu lưu ý.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, liên kết tốt với kinh tế trong nước. Đồng thời, sớm ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ để tăng thêm tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm sản xuất từ các dự án FDI cũng như là các mặt hàng xuất khẩu.

Thứ tư, đời sống của người dân, một bộ phận người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gia đình có người thân mất do Covid-19, hộ gia đình bị thiên tai, lũ lụt, cán bộ hưu trí và hưu trước năm 1995. Do đó, cần tăng cường chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, nhất là dịp lễ Tết, cần quan tâm hơn nữa đến thu nhập cán bộ, viên chức, người lao động trong ngành y và ngành giáo dục, đặc biệt là giáo viên mầm non và phổ thông.

Thứ năm, là vấn đề thị trường xăng dầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng một số nơi. Vị đại biểu này khẳng định, mặc dù Bộ Công Thương đã tích cực vào cuộc nhưng cần sớm khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự. Trong thời gian tới, cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.

Thứ sáu, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế một số nơi tại cơ sở khám, chữa bệnh cần có giải pháp cấp bách, quyết liệt. Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị trong khi chờ đợi các luật ban hành, đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội những giải pháp cấp bách để đưa vào nghị quyết cuối kỳ họp này. Vì bảo vệ sức khỏe nhân dân, tính mạng nhân dân là trên hết và trước hết cử tri đang rất quan tâm vấn đề này.

Thứ bảy, giá cả xăng dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. “Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất” - đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất.

Liên quan kế hoạch kinh tế xã hội năm 2023, đại biểu đồng tình với chỉ tiêu kế hoạch kinh tế xã hội đã đề ra. “Tôi rất chia sẻ của Chính phủ khi phải điều hành kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay có nhiều bất định, bất ổn, bất thường. Trên cơ sở đó, đồng tình với 12 giải pháp của Chính phủ trình trước Quốc hội, ưu tiên giải pháp kinh tế vĩ mô. Lưu ý thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng linh hoạt, thắt chặt định hướng đồng vốn ưu tiên cho sản xuất kinh doanh và các dự án đang triển khai”- đại biểu nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, vị đại biểu này nhấn mạnh, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, ngắn hạn, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho phát triển kinh tế. Đó là giải pháp chúng ta ưu tiên trong thời gian tới để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 hiệu quả.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết