A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tổng Thanh tra: Chính phủ sẽ quy định “cứng” một số sở thành lập cơ quan thanh tra

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, qua ý kiến của Quốc hội, Chính phủ tới đây sẽ quy định “cứng” một số sở thành lập cơ quan thanh tra, còn lại sẽ giao quyền chủ động cho địa phương.

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong giải trình ở Quốc hội về một số nội dung của dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 25/10, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Một trong những vấn đề các đại biểu tiếp tục quan tâm là bỏ hay giữ thanh tra huyện? Sở nào được thành lập cơ quan thanh tra?

Tranh luận việc lập thanh tra sở

Nêu ý kiến, đa số ý kiến đại biểu tán thành tiếp tục giữ thanh tra huyện. Nghĩa là, giữ hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện.

“Dù huyện với quy mô dân số nhỏ cũng cần có cơ quan thanh tra”, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói.

Theo ông Hòa, điểm yếu của thanh tra huyện là do chưa được bố trí nguồn lực đầy đủ, chưa đảm bảo điều kiện hoạt động. Nhưng nếu thiếu thanh tra huyện sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước ở cấp huyện, nhất là trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Liên quan đến thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, ông Hoà đánh giá là cần thiết, song không nhất thiết nơi nào cũng có tổ chức thanh tra mà phải có tiêu chí, nguyên tắc cụ thể.

Tương tự, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng lưu ý không phải sở nào ở địa phương cũng cần lập cơ quan thanh tra mà tuỳ tính chất, nhiệm vụ và biên chế mỗi tỉnh để UBND quyết định.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cũng đồng tình có phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập thanh tra sở. Nhưng nữ đại biểu đề nghị, nên chăng cần quy định ngay trong luật tiêu chí, điều kiện thành lập để thống nhất chung toàn quốc.

“Quy định như dự thảo sẽ dẫn đến sự tùy nghi, cùng một chức năng, nhiệm vụ, cùng phạm vi quản lý nhà nước nhưng mỗi địa phương lại có một mô hình khác nhau”, bà Tâm nói.

 Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) tranh luận. Ảnh: Đ.X 

Tranh luận lại, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng vẫn nên quy định thanh tra sở được thành lập ở những sở thuộc UBND tỉnh.

Theo đại biểu, điều này xuất phát từ chức năng, vị trí, vai trò của thanh tra với quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực.

“Thanh tra là nội dung không thể thiếu của quản lý nhà nước, là giai đoạn cuối cùng của chu trình quản lý, có vai trò kiểm định, đánh giá hiệu quả. Thanh tra làm cho chu trình quản lý nhà nước được khép kín, các hoạt động quản lý nhà nước được gắn bó chặt chẽ hơn”, bà Hà nêu.

Qua thanh tra, sẽ có các kiến nghị để khắc phục những sơ hở, yếu kém, đề xuất những biện pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý.

Nữ đại biểu đặc biệt nhấn mạnh, cũng giống như thanh tra huyện, thanh tra sở đã có một quá trình hình thành, phát triển ổn định, lâu dài, góp phần quan trọng không thể thiếu cho việc nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.

“Ngành nào cũng quan trọng và với những khó khăn, thách thức, nhạy cảm, phức tạp, không thể cân đong, đo đếm xem ngành nào phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn ngành nào”, bà Hà cho rằng, “không thể có sự phân biệt” với ngành ngay tại văn bản luật khi quy định sở thì có cơ quan thanh tra do Quốc hội quy định, sở có cơ quan thanh tra do Chính phủ quy định và sở có cơ quan thanh tra do UBND cấp tỉnh quyết định.

Phân cấp, giao quyền chủ động cho địa phương

Giải trình sau đó, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho hay, việc phân cấp cho Chủ tịch UBND các tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

 Toàn cảnh phiên thảo luận dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) ở Quốc hội. Ảnh: Đ.X

Theo ông Đoàn Hồng Phong, việc này còn góp phần sắp xếp, tinh gọn bộ máy, khắc phục tình trạng như hiện nay ở các địa phương “sở nào cũng có thanh tra nhưng không đảm bảo biên chế cho tổ chức và hoạt động thanh tra, thậm chí có những địa phương có sở chỉ có 1-2 người làm công tác thanh tra”.

Do vậy, dự thảo luật quy định thanh tra sở được thành lập trong 3 trường hợp sau: Thứ nhất, theo quy định của luật chuyên ngành có chức năng thanh tra. Thứ hai, Chính phủ sẽ quy định cụ thể trên phạm vi cả nước việc thành lập cơ quan thanh tra ở một số sở có phạm vi quản lý rộng và có yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp. Thứ ba, các sở còn lại giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập thanh tra căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được Trung ương giao.

Ông Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, qua ý kiến của Quốc hội, Chính phủ tới đây sẽ quy định “cứng” một số sở thành lập cơ quan thanh tra, còn lại sẽ giao quyền chủ động cho địa phương.

Với hệ thống thanh tra theo cấp hành chính, theo Tổng Thanh tra, vẫn giữ như hiện nay là để bảo đảm ở đâu có quản lý nhà nước ở đó có thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý sai phạm “từ sớm, từ xa”, ngay từ cơ sở, nhất là đối với thanh tra cấp huyện.

“Sau khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cho cơ quan thanh tra huyện, đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước hiện nay”, Tổng Thanh tra báo cáo.

Ông cũng khẳng định, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã quy định việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ với các tiêu chí cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này. Đồng thời, bảo đảm không phát sinh tổ chức, biên chế theo yêu cầu của Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) vào ngày 14/11.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết