A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thách thức trong chuyển đổi mô hình 4 tuyến thành 3 cấp

Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, nhiều nội dung đã được sửa đổi trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, làm rõ...

Theo đó, khái niệm “cấp chuyên môn kỹ thuật” chưa có trong các văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực y tế trước đây và cũng là lần đầu tiên được ghi nhận trong Dự thảo Luật, vì vậy cần xem xét bổ sung định nghĩa trên trong điều khoản giải thích từ ngữ.

Đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang được Bộ Y tế phân thành 4 tuyến, dự thảo quy định lộ trình chuyển đổi mô hình 4 tuyến thành 3 cấp thực hiện từ 1.1.2027. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, bởi đây là một thách thức đối với việc tổ chức thực hiện, rất cần dự thảo Luật phải có quy định nguyên tắc cụ thể.

“Dự thảo Luật còn thiếu quy định về nguyên tắc vận hành hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo 3 cấp, các quy định trong Dự thảo cũng chưa làm rõ sự kết nối giữa các cấp và đảm bảo điều tiết toàn hệ thống. Vì vậy, đề nghị cân nhắc bổ sung một số nội dung như: nguyên tắc quy hoạch hệ thống cơ sở y tế theo 3 cấp chuyên môn phù hợp với việc quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo địa bàn, theo vùng miền, từ đó phân bổ cơ sở y tế hợp lý, để người dân được tiếp cận các dịch vụ từ sớm, từ xa, được chữa bệnh đúng cấp”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) đề nghị.

Về vấn đề xã hội hóa, do y tế là lĩnh vực nhạy cảm, theo quy định hiện nay, việc thu hút nguồn vốn từ xã hội hoá trong lĩnh vực y tế rất vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là quy trình, thủ tục triển khai. Vì vậy ngành rất cần quy định về hình thức, phương thức triển khai xã hội hoá phù hợp với đặc thù của lĩnh vực y tế nhưng không trái với tinh thần của pháp luật về đầu tư công, về quản lý, sử dụng tài sản công.

Bày tỏ nhất trí với việc quy định cụ thể các hình thức thu hút nguồn lực xã hội tại dự thảo Luật, tuy nhiên, cũng theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, nếu chỉ quy định về hình thức mà không có cơ chế để thực hiện thì xã hội hoá y tế lại trở thành bài toán không có lời giải. Đơn cử như hình thức “Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, trang thiết bị y tế” được quy định tại Khoản 3, Điều 107 của Dự thảo.

Quy định về vay vốn tại các đơn vị y tế đã có từ lâu nhưng thực tế rất khó triển khai do vướng mắc trong vấn đề tài sản thế chấp, vấn đề lãi suất, vấn đề vốn đối ứng. Đại biểu đề nghị, cần có quy định đặc thù cho phép các cơ sở y tế được sử dụng một phần tài sản công để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng, đồng thời quy định thêm chính sách cho phép các cơ sở y tế được vay vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước hoặc trở thành đối tượng ưu tiên lãi suất vốn vay của các tổ chức tín dụng.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị bỏ khoản 4 của Điều 107, bổ sung nội dung khoản 5, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết về cơ chế, chính sách, thủ tục thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực y tế với từng hình thức cụ thể. Về hình thức xã hội hoá, đại biểu tiếp tục kiến nghị bổ sung hình thức: “Mượn thiết bị theo hợp đồng trúng thầu mua sắm vật tư tiêu hao thường xuyên của cơ sở y tế” đây là quy định đặc thù nhưng phù hợp với thông lệ quốc tế trong mua bán hoá chất, vật tư tiêu hao. Đồng thời, cần sửa đổi điểm e, khoản 3 là “Tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước” để bao quát hết hoạt động tài trợ, viện trợ.

Xung quanh nội dung chi phí khám bệnh, chữa bệnh và giá khám bệnh, chữa bệnh – vốn đang thu hút sự chờ đợi, quan tâm của tất cả các cơ sơ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị cần có những quy định mang tính đặc thù trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước do Bộ Y tế ban hành áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập theo phương thức đối tác công tư do Thủ trưởng đơn vị quyết định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Như vậy, giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở y tế Nhà nước sẽ được áp dụng thống nhất, tạo sự công bằng giữa các đơn vị và giữa các đối tượng cùng có thẻ bảo hiểm y tế; tạo thuận lợi cho các cơ sở khám bệnh chữa bệnh khi triển khai thực hiện, đồng thời tiết kiệm được chi phí, thời gian và nhân lực khi xây dựng giá khám bệnh chữa bệnh của đơn vị. Quy định giá khám bệnh chữa bệnh theo yêu cầu như trên cũng tạo sự chủ động, phù hợp với nhu cầu thực tế của mỗi đơn vị nhưng vẫn có sự kiểm soát của Bộ Y tế.

Khánh Linh

Tác giả: Khánh Linh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết