A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc có bị gia tăng sức ép cạnh tranh?

Hồ tiêu Campuchia được phép xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc. Liệu mặt hàng này có bị gia tăng sức ép cạnh tranh tại trường này?

Ngày 12/5, đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh đã thông báo, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành danh sách các công ty và cơ sở hồ tiêu Campuchia đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của nước này. Theo đó, hiện đã có 28 đồn điền hồ tiêu và 7 nhà máy đóng gói đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đăng ký và cấp phép.

Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc gia tăng sức ép cạnh tranh?
Xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc gia tăng sức ép cạnh tranh?

Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia đã kiểm tra một số đồn điền và nhà máy đóng gói hồ tiêu vào ngày 10 và 11/4 để đảm bảo họ đáp ứng các điều kiện cần thiết.

Điều này có nghĩa là hạt tiêu của Campuchia đã hoàn tất các thủ tục theo quy định và có thể xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, hiện Campuchia có khoảng 6.000 ha dành riêng cho trồng tiêu, với sản lượng trung bình hàng năm từ 20.000 - 30.000 tấn.

Liên đoàn Hạt tiêu và Gia vị Campuchia cho biết giá hạt tiêu hiện nay ở mức 3.000 - 3.500 USD/tấn. Campuchia xuất khẩu cả hạt tiêu có Chỉ dẫn Địa lý (GI) từ Kampot và hạt tiêu không có GI, bao gồm hạt tiêu hỗn hợp, hạt tiêu thực hành nông nghiệp tốt và hạt tiêu hữu cơ. Hạt tiêu GI chủ yếu được xuất khẩu sang EU.

Hồ tiêu Campuchia được phép xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc, câu hỏi được đặt ra lúc này đó là áp lực cạnh tranh của hồ tiêu Việt Nam tại Trung Quốc sẽ tăng lên?

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương ông Lê Việt Anh - Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, việc Campuchia được xuất khẩu hồ tiêu trực tiếp sang Trung Quốc không đáng lo ngại đối với hồ tiêu Việt Nam vì khối lượng xuất khẩu của Campuchia sang thị trường Trung Quốc không nhiều, nếu có chủ yếu xuất theo Lệnh 248, 249.

“Hiện, 90% lượng hồ tiêu của Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam, sau đó tái xuất sang các nước, trong đó có Trung Quốc. Thực ra công ty thương mại của Campuchia không nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp FDI”, ông Lê Việt Anh chia sẻ.

Đồng quan điểm về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Phước Bính - Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) - cho biết, đây là việc bình thường. Hồ tiêu của Campuchia chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Việt Nam sau đó xuất sang thị trường Trung Quốc. Con số này chiếm khoảng 80 - 90%. Phần còn lại là xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc, châu Âu, tuy nhiên, con số này không nhiều.

Ở đây là câu chuyện thị trường tiêu thụ và thị trường nguyên liệu. Người sản xuất nguyên liệu bán cho người mua bán nguyên liệu và xuất khẩu tiếp đi. Campuchia xuất khẩu sang thị trường Việt Nam không phải để người Việt Nam sử dụng mà chúng ta lại xuất khẩu đi Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ,… Thay vì Campuchia bán cho Việt Nam thì một phần nào đó họ bán thẳng sang thị trường Trung Quốc. Các nhà sản xuất của Campuchia cũng phải nghiên cứu làm sao cho phù hợp về giá. “Đây là câu chuyện bình thường trong hoạt động kinh doanh của ngành hồ tiêu, không có gì đáng lo ngại”, ông Hoàng Phước Bính chia sẻ.

Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Campuchia là quốc gia xuất khẩu tiêu sang Việt Nam lớn thứ hai, sau Brazil. Trong 4 tháng đầu năm nay, quốc gia này xuất khẩu 1.715 tấn tiêu sang Việt Nam giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây là chỉ là con số chính ngạch. Còn con số tiểu ngạch chưa được thống kê có thể lên đến vài nghìn tấn.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, quý I/2023, nguồn cung hồ tiêu cho Trung Quốc có sự chuyển dịch sang các thị trường Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, tốc độ nhập khẩu từ các thị trường trên ghi nhận mức tăng trưởng cao lên đến 3 con số.

Ngược lại, Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 39,36% trong quý I/2022 xuống 29,75% trong quý I/2023.

Nói về việc thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam, ông Hoàng Phước Bính cho rằng, việc này không đáng lo ngại, Việt Nam chiếm hơn 50% sản lượng xuất khẩu của cả toàn thế giới. Sản lượng hồ tiêu ở các thị trường khác như Campuchia, Malaysia,... rất ít. Trung Quốc vẫn phải nhập hồ tiêu chủ yếu từ thị trường Việt Nam.

"Trung bình hàng năm, thị trường Trung Quốc mua từ thị trường Việt Nam khoảng 50.000 – 60.000 tấn. Sẽ có thời điểm tăng, có thời điểm giảm, theo số liệu tôi cập nhật, 4 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã nhập 35.000 nghìn tấn hồ tiêu từ thị trường Việt Nam. Do đó, còn 6 tháng nữa thì con số 20.000 – 25.000 tấn hồ tiêu là không vấn đề ”, ông Hoàng Phước Bính nhận định.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết