A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Xuất khẩu hồ tiêu gặp khó

Xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng đầu năm 2022 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ngành hàng này dự báo vẫn tiếp tục đối diện với khó khăn trong những tháng cuối năm.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 123,64 nghìn tấn, trị giá 560,22 triệu USD, giảm 19,7% về lượng, tăng 12,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu tăng do giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt mức 4.531 USD/tấn, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu hồ tiêu gặp khó

Ngành hồ tiêu tích cực xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao

6 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu sang một số thị trường như Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Anh, Pakistan... giảm. Ngược lại, xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường khác tăng, như: Ấn Độ, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam với hơn 30.000 tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo Hoa Kỳ là các thị trường như UAE, Ấn Độ, Đức…

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đánh giá, 6 tháng đầu năm, cơ cấu các loại tiêu xuất khẩu có sự chuyển dịch lớn. Điều này cho thấy, ngành hồ tiêu đang tích cực xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Cụ thể, xuất khẩu tiêu đen nguyên hạt giảm 24,5%; tiêu đen xay giảm 6,4%; tiêu ngâm giấm hạ xuống 62,3% trong khi đó xuất khẩu hàng chế biến sâu như tiêu trắng nguyên hạt lại nhích lên 7,1%; tiêu trắng xay tăng 26%...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích hồ tiêu năm 2020 đạt hơn 130.000 ha, tập trung ở 6 tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước. Tuy nhiên, diện tích này và sản lượng hồ tiêu có thể giảm trong năm 2021 - 2022 vì sâu bệnh, biến đổi khí hậu và thiếu đầu tư, chăm sóc.

Hiện, hồ tiêu Việt Nam vẫn chiếm 55% thị phần toàn cầu. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng lên giá hạt tiêu trong nửa cuối năm 2022. Theo đó, nguồn cung từ Brazil đạt sản lượng tốt, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại theo chu kỳ hàng năm. Căng thẳng chính trị tại Đông Âu khiến giá năng lượng và lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, áp lực lên giá càng gia tăng.

Mặt khác, dù Sri Lanka đang bị vỡ nợ, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng Sri Lanka sẽ đẩy mạnh xuất khẩu tiêu kể cả lượng hàng tồn, và giá thành có thể cạnh tranh hơn các nước khác. Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách “zero Covid” sẽ khiến nhu cầu chưa đạt mức như kỳ vọng, và giá khó tăng khi sức mua của Trung Quốc vẫn ở mức thấp, dù nhập khẩu của họ đã tăng trở lại trong tháng 6, nhưng đó có thể là lượng hàng có sẵn ở cửa khẩu. Tình trạng tắc nghẽn cảng ở châu Âu là vấn đề chính dẫn đến sự trì hoãn các lịch trình vận tải. Thiếu chỗ và container vẫn còn căng thẳng, đặc biệt các nước xuất khẩu ở Đông Nam Á.

Trước những khó khăn trong xuất khẩu 6 tháng năm 2022, để đẩy mạnh xuất khẩu hồ tiêu bền vững, theo các chuyên gia, việc đảm bảo không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu rất quan trọng. Ngay cả Trung Quốc - thị trường nhập khẩu quan trọng của tiêu Việt Nam - cũng có những đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng thực phẩm. Do đó, sản xuất bền vững ngành hồ tiêu là một nhiệm vụ tất yếu quan trọng.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam ước tính, năm 2022, sản lượng hồ tiêu có thể đạt 175.000 tấn, giảm 10% so với năm 2021. Dù vậy, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới, chiếm 35% so với toàn cầu.
 

Tác giả: Thanh Hà
Nguồn:congthuong.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết