A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hết thời tranh nhau mua, đất đấu giá Hà Nội ế ẩm: Gần 50% phiên đấu giá không thành

Trái ngược với diễn biến 2 năm trước, thị trường đất đấu giá Hà Nội rơi vào “ế ấm”. Chỉ vòng 6 tháng đầu năm chỉ có 37 phiên đấu giá thành công trong 65 phiên được tổ chức.

 

Hết thời tranh nhau mua, đất đấu giá Hà Nội ế ẩm: Gần 50% phiên đấu giá không thành - Ảnh 1.

Theo tin từ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay, việc đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương gặp khó khăn, thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất đạt thấp so với kế hoạch, ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu ngân sách, nhất là ở các huyện, thị xã.

Nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản giảm nhiệt, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc huy động nguồn lực tài chính. Ngoài ra, cũng có một phần nguyên nhân từ việc giải phóng mặt bằng chậm hoặc còn vướng mắc thủ tục về quy hoạch, đất đai.

Thành phố tổ chức được 65 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có 37 phiên đấu giá thành công và 28 phiên đấu giá không thành; kết quả thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất là 724 tỷ đồng, chỉ đạt 5,42% kế hoạch năm.

Khảo sát thực tế cho thấy, trong nhiều cuộc đấu giá, người tham gia và trúng đấu giá đã ít. Đơn cử như cuộc đấu giá cuối tháng 2 vừa qua tại huyện Phúc Thọ, chỉ có 5/35 thửa đất đấu giá thành công.

Cụ thể, tại khu Gạc Chợ, xã Tam Hiệp 7 thửa, giá khởi điểm 79,8 triệu đồng/m2; khu X1 thôn Lục Xuân, xã Võng Xuyên 5 thửa, giá khởi điểm 36 - 40,6 triệu đồng/m2; khu Cát Hạ, xã Tam Thuấn 3 thửa, giá khởi điểm 26,4 triệu đồng/m2; khu Mả Mảy, xã Phụng Thượng 20 thửa, giá khởi điểm từ 18,3 - 33,1 triệu đồng/m2.

Tại huyện Đông Anh, ngày 12/11/2022, 25 thửa đất được mang ra đấu giá ngày với giá khởi điểm từ 30,3 - 33,3 triệu đồng/m2. Đến ngày 11/3, các lô đất này tiếp tục lại được rao bán.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại huyện Sóc Sơn. 27 lô đất ở thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược có diện tích từ 82,1 - 200 m2/thửa được đem ra đấu giá ngày 24/12/2022 với mức giá khởi điểm từ 45 - 50 triệu đồng/m2. Sau đó, 26/27 thửa đất trên tiếp tục được đấu giá ngày 11/3; còn lại 22/27 thửa đất vào ngày 15/4.

Đại diện một trung tâm phát triển quỹ đất ở Hà Nội cho rằng, số lượng người tham gia đấu giá hiện nay ít, chủ yếu là người địa phương, có nhu cầu ở thực. Giá trúng đấu giá cũng sát với giá sàn, không "thổi" cao như trước.

Nguyên nhân lớn nhất khiến các cuộc đấu giá vắng khách là do giá khởi điểm đang ở mức cao. Bởi, trong hai năm trước, giá đất đẩy lên cao, tạo mặt bằng giá mới.

Giá đấu giá được đưa ra tương quan với các giao dịch trước đó nên hiện nay vẫn giữ ở mức cao.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2023, tạo nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã uỷ quyền cho ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và quyết định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất trong Bảng giá đất) từ 30 tỷ đồng trở lên để giao đất có thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Hà Nội. Thời hạn ủy quyền từ ngày 04/7/2023 đến hết ngày 30/6/2025.

Theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật và ủy ban nhân dân thành phố trong phạm vi quyền, nhiệm vụ được ủy quyền; không được ủy quyền lại cho tổ chức, cá nhân khác.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền, ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, báo cáo đề xuất thành phố xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải đảm bảo các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền.

Sở Tài chính Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp có văn bản hướng dẫn ủy ban nhân dân cấp huyện về quy trình, trình tự và triển khai thực hiện nội dung được ủy quyền; giám sát việc thực hiện quyền, nhiệm vụ được ủy quyền của ủy ban nhân dân cấp huyện; tổng hợp các vướng mắc, khó khăn, vượt thẩm quyền giải quyết theo nội dung báo cáo, đề xuất của ủy ban nhân dân cấp huyện, báo cáo ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết