Giá thép tăng cao doanh nghiệp xây dựng "ngộp thở"
Đang xây dựng cho một công trình tại huyện Đồng Tháp Mười, thế nhưng từ đầu tháng 3 tới nay Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam (Công ty Cổ phần Vinacco) lại đứng trước bài toán khá đau đầu khi giá thép tăng cao phi mã và thậm chí không có thép để mua.
Ông Ngọc, giám sát công trình cho hay, hiện nay công trình đang tiến hành xây dựng hai mố cầu. Công trình này được động thổ vào ngày 8/2, tuy nhiên vì giá thép tăng và các chủ doanh nghiệp vật liệu xây dựng không chịu ký hợp đồng cung cấp thép cụ thể và dài hạn mà chỉ đồng ý bán thép cho doanh nghiệp khi tới cửa hàng lấy thép và lúc đó mới được báo giá.
Trong khi đó thương hiệu Thép miền Nam bán ra mức 16,7 triệu đồng một tấn với thép cuộn CB240 D10 và 15,7 - 15,9 triệu đồng một tấn thép CB400V D10, D12. Nhưng năm nay đã lên tới hơn 20 triệu/tấn.
Ông Lê Anh Tuấn cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang thi công khá nhiều dự án lớn, và các dự án đều gặp tình trạng tương tự như trên. Trong khi đó, các doanh nghiệp thép lại có dấu hiệu ngâm hàng chờ giá tăng tiếp tục mới bán ra dẫn tới cảnh nguy cơ các dự án gặp khó về tiến độ và doanh nghiệp xây dựng cũng ảnh hưởng lớn bởi trước đó đã ký hợp đồng xây dựng và báo giá cụ thể với chủ đầu tư không bao gồm trượt giá vật liệu. Vì theo nguyên tắc, đa số với những công trình dân dụng thì các nhà thầu đều ký hợp đồng trọn gói nên dù giá thép tăng thì cũng khó điều chỉnh được giá hợp đồng.
Cũng lâm vào cảnh khó khăn và phải bù lỗ trong xây dựng bởi giá thép tăng cao, ông Nguyễn Bình, Giám đốc Công ty xây dựng Đại Nghĩa tại TP.HCM cho biết từ đầu năm đến nay, giá các loại thép trên thị trường đã tăng từ 20 đến 35% so với năm 2021. Chẳng hạn với thép cuộn D6, D8 của các thương hiệu Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Việt Đức, Việt Ý... thời điểm cuối năm 2021 có giá chỉ khoảng 17 triệu đồng trên tấn thì giờ đã là 20,300 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT). Không riêng giá thép, theo ông Bình, giá các loại vật liệu khác như xi măng, gạch, cát… cũng tăng từ 10-30% do cước vận tải tăng.
"Chi phí cho thép chiếm khoảng 20-25% chi phí xây dựng căn hộ chung cư và khoảng 30% chi phí xây dựng căn nhà liền kề, như vậy, giá thép tăng cao cùng với các chi phí khác sẽ đội giá công trình lên khoảng 15%, buộc chúng tôi phải xem xét lại các điều khoản trong hợp đồng với chủ đầu tư để điều chỉnh lại", ông Bình cho biết.
Tương tự, một lãnh đạo công ty Hưng Thịnh Incons xin được giấu tên cho biết, so với cùng kỳ năm 2021, giá thép tăng mạnh đã gây nhiều khó khăn cho việc xây dựng các công trình, khiến các doanh nghiệp xây dựng không có lãi thậm chí phải chịu lỗ.
Theo tính toán của các chủ đầu tư xây dựng, với một hợp đồng xây dựng 100 tỷ đồng, nhân công chiếm 20%, chi phí khác chiếm 10% và vật liệu xây dựng chiếm 60 - 70% (thép, sắt, cát, xi măng, đá…), khi giá thép tăng như hiện nay, có thể khiến công trình bị đội lên trên 10%. Cụ thể, một căn hộ dự toán trên giấy tờ (lý thuyết) bán ra 30 triệu đồng/m2, khi thép tăng giá, có thể đẩy căn hộ chào bán ra thị trường đội lên 35 triệu đồng/m2.
Tùy chủ đầu tư, nếu họ chia sẻ với khách hàng, giá nhà chào bán ra sẽ tăng ở biên độ vừa phải dưới 10%. Ngược lại nếu chủ đầu tư không thể chia sẻ, giá nhà có thể đội lên trên 10% và khi đó khách hàng là người gánh chịu.
“Các đơn vị phân phối như chúng tôi gặp không ít khó khăn khi phải bảo đảm tiến độ cung cấp hàng cho đối tác trong điều kiện nguồn cung khan hiếm. Để giữ chân khách hàng, chúng tôi buộc phải có nhiều giải pháp hỗ trợ và tích cực tìm nguồn cung mới để bù đắp, từ đó dẫn tới chi phí tăng. Bên cạnh đó, việc giá xăng, dầu tăng dẫn tới chi phí vận chuyển vật liệu tới công trình xây dựng cũng phải đội lên và phần này chúng tôi phải chịu nên ảnh hưởng tới lợi nhuận”, bà Hoài nói.
Tương tự, ông Lê Quang Cảnh, Giám đốc công ty sản xuất sắt thép Trung Việt tại quận Bình Tân, một doanh nghiệp sản xuất sử dụng thép làm nguyên vật liệu đầu vào cũng gặp khó khi giá mặt hàng này tăng phi mã.
Theo ông Cảnh, không ít doanh nghiệp nhóm ngành cơ khí kết cấu thép đang chịu lỗ vì các đơn hàng ký trước đó là lúc giá thép chưa tăng.
Đúng như nhận định của ông Phúc, ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Trần Anh cho biết giá thép tăng quá nóng cùng nhiều loại vật liệu khác đã làm tăng giá thành xây dựng, ảnh hưởng đến kế hoạch bán hàng.
Cụ thể, cuối năm 2021 doanh nghiệp ông Vinh tiến hành lên phương án bán hàng tại 3 dự án ở Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang. Sản phẩm bất động sản ở các dự án này đều có số lượng lên tới hàng ngàn căn, xây dựng thô khi bàn giao.
Phân tích của ông Vinh còn cho thấy, chu kỳ tăng giá mặt hàng này vẫn còn tiếp diễn đến cuối năm nay. Một số dự án hạ tầng, đầu tư công lớn sắp triển khai như cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành... cùng sự hồi phục của thị trường bất động sản sẽ khiến nhu cầu thép tăng 5-10% so với 2021. Và dự báo đến quý 3 và quý 4/2022, việc tăng giá trên sẽ tác động vào giá bán các sản phẩm bất động sản.
“Do chi phí nguyên vật liệu chiếm 65-70% giá trị dự toán xây dựng công trình, nên việc yếu tố này tăng giá mạnh những tháng đầu năm đã khiến chi phí xây dựng bị đội lên cao, từ đó ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình. Để hạn chế vấn đề này, thời gian tới, theo tôi các đơn vị quản lý nhà nước cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, ban hành hướng dẫn theo thẩm quyền các nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng, giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng… Có như vậy thì thị trường mới phát triển bền vững và giá nhà không chạy theo giá vật liệu như hiện nay”, ông Vinh nói