A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tác động của cạnh tranh Mỹ-Trung với bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2022

Các công ty lớn nguy cơ bị cuốn vào cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung và trong một số trường hợp, họ bị hạn chế lựa chọn khi cả hai nước này đều là những thị trường quan trọng.

Đó là nhận định của nhà phân tích chính sách Ấn Độ Tridivesh Singh Maini trên trang thegeopolitics.com mới đây.

Vào giữa tháng 12/2021, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty công nghệ và một số tổ chức Chính phủ Trung Quốc. Học viện khoa học quân sự và một số đơn vị hỗ trợ liên quan đến quân đội Trung Quốc cũng nằm trong danh sách này.

Theo những hạn chế trên, các công ty Mỹ bị cấm bán một số thành phần cho các đối tác phía Trung Quốc mà không có giấy phép. Khi bình luận về quyết định của Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết: “Chúng tôi không thể cho phép hàng hóa, công nghệ và phần mềm hỗ trợ khoa học y tế và đổi mới công nghệ sinh học của Mỹ bị chuyển hướng sang các mục đích sử dụng trái với an ninh quốc gia của Mỹ”.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã ban hành một đạo luật liên quan tới nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa Trung Quốc, theo đó áp đặt lệnh cấm nhập khẩu hàng từ Tân Cương, trừ khi chứng minh rằng không có việc lạm dụng lao động để sản xuất bất kỳ mặt hàng nào trong số này.

Cuối tháng 12/2021, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bốn thành viên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Chính phủ Mỹ để phản ứng với các lệnh trừng phạt của Washington. Ngày 30/12/2021, Trung Quốc cũng trừng phạt 5 quan chức Mỹ, trong đó có cựu Bộ trưởng Thương mại Kỳ Wilbur Ross, Chủ tịch Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung Quốc Carolyn Bartholomew và cựu Giám đốc Ủy ban Điều phối của Quốc hội về Trung Quốc Jonathan Stivers. Hành động này của Bắc Kinh là một biện pháp trả đũa để đáp lại việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc tại Đặc khu hành chính Hong Kong vào ngày 20/12/2021 – trong đó có 5 Phó Giám đốc văn phòng liên lạc của Chính phủ Trung Quốc tại Hong Kong.

Các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Mỹ trên có nghĩa là họ không được phép vào Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Ma Cao và các tài sản của họ ở Trung Quốc sẽ bị đóng băng. Những cá nhân này cũng sẽ không được phép giao dịch với các công dân và tổ chức của Trung Quốc.

Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc đã khiến cho mối quan hệ giữa Bắc Kinh và một số đồng minh của Washington suy giảm, như Anh, Canada, Australia... Mới đây, ba nước này đã cùng Mỹ tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022. Vì vậy, không chỉ quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các quốc gia trên có khả năng sẽ bị ảnh hưởng, mà ngay cả sự hợp tác trong các lĩnh vực như du lịch và giáo dục (sinh viên đến từ Trung Quốc chiếm một tỷ lệ đáng kể trong cộng đồng sinh viên quốc tế tại Anh và Australia) cũng bị tác động tiêu cực trong thời gian tới.

Theo ông Maini, trong bối cảnh căng thẳng và cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, câu hỏi đặt ra là các quốc gia có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với cả Washington và Bắc Kinh sẽ phải cân bằng thế nào?

Trong khi Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Australia rõ ràng đã nghiêng về Mỹ, thì ở Trung Đông, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đưa ra một thông điệp rõ ràng, đó là sẽ không nghiêng hẳn về bên nào. Một ví dụ điển hình cho điều này là quyết định của UAE hủy bỏ thỏa thuận mua máy bay tiêm kích đa nhiệm F-35 trị giá 23 tỷ USD từ Mỹ. Thỏa thuận này được ký kết vào năm 2020, nhưng Mỹ đã cảnh báo UAE về việc sử dụng công nghệ 5G của Trung Quốc, đồng thời phản đối việc xây dựng một cơ sở trong Dự án Cảng Khalifa, do nghi ngờ đây là một tiền đồn quân sự của Trung Quốc.

Trong khi UAE và Mỹ khẳng định rằng mối quan hệ của họ rất bền chặt, thì UAE vẫn tuyên bố không muốn tham gia bất kỳ cuộc chiến tranh lạnh nào giữa Washington và Bắc Kinh. Bên cạnh đó, mối quan hệ của Saudi Arabia với Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng sau khi tình báo Mỹ được cho là đã tìm thấy bằng chứng về việc Trung Quốc hỗ trợ Saudi Arabia phát triển tên lửa đạn đạo.

Không chỉ các quốc gia, mà cả các doanh nghiệp cũng có thể bị kéo vào việc “chọn phe” giữa Mỹ và Trung Quốc. Tadashi Yanai, Giám đốc điều hành của Fast Retailing, công ty mẹ của tập đoàn thiết kế nổi tiếng Nhật Bản Uniqlo, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng doanh nghiệp này không muốn bị cuốn vào cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ. Ông Yanai đã chỉ ra một thực tế thú vị rằng, bất chấp những cảnh báo về mối quan hệ kinh tế Mỹ-Trung đang xấu đi, sự liên kết giữa hai nước vẫn khá chặt chẽ. “Nhìn bề ngoài, dường như Mỹ và Trung Quốc có mối quan hệ khá kỳ quặc, nhưng thực tế không phải vậy, nguồn vốn tài chính của Mỹ vẫn đang chảy vào các khoản đầu tư Trung Quốc”.

Tóm lại năm 2022, ngoài mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng sẽ rất thú vị khi theo dõi các quốc gia có quan hệ chặt chẽ với cả Washington và Bắc Kinh đưa ra những quyết định của mình. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có lẽ sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh lạnh giữa Washington và Bắc Kinh bởi vì cả hai đều là thị trường quan trọng, nhưng trong một số tình huống nhất định, họ có thể bị hạn chế các lựa chọn.

PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết