Nga đã bị Mỹ “đánh lạc hướng” về NATO trong những năm 1990 như thế nào?
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang leo thang tới mức bế tắc mà trọng tâm là việc NATO đang cố tình kết nạp thành viên áp sát biên giới Nga. Vấn đề này có căn nguyên trong lịch sử. Các tài liệu mới giải mật cho thấy, những năm 1990, Mỹ đã thất hứa khi đánh lạc hướng Nga về việc khối quân sự này sẽ không mở rộng.
Tổng thống Nga Boris Yeltsin và Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại điện Kremlin ngày 2-9-1998 |
Vòng xoáy căng thẳng
Một trong những vướng mắc nổi lên gần đây giữa Nga và phương Tây là việc NATO đang mở rộng sát biên giới Nga. Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra các yêu cầu đối với Mỹ và NATO như một phần trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng trong vấn đề Ukraine. Theo đó, Matxcơva yêu cầu NATO ngừng kế hoạch kết nạp thành viên với Ukraine, ngừng các hoạt động triển khai quân sự gần biên giới của Nga. Điện Kremlin cũng muốn có sự đảm bảo từ Washington rằng, Mỹ sẽ không thiết lập bất kỳ căn cứ quân sự nào ở các quốc gia thuộc Liên Xô (cũ ) cũng như phát triển hợp tác quân sự song phương. Đổi lại, Nga sẽ hạn chế các cuộc tập trận quân sự và ngừng các hành động thù địch ở mức độ thấp.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Mỹ dường như không chấp nhận lời đề nghị của Nga trước thềm cuộc họp Hội đồng Nga - NATO diễn ra vào ngày 12-1 tới. Đây sẽ là cuộc họp đầu tiên kể từ tháng 7-2019 của Hội đồng Nga - NATO. Quan chức NATO dự kiến sẽ thảo luận trực tiếp về các đề xuất an ninh của Tổng thống Putin với đặc phái viên của Nga tại cuộc họp tới đây. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 7-1 thậm chí còn tuyên bố liên minh quân sự này sẽ không ngừng mở rộng khắp châu Âu. “Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp về nguyên tắc cốt lõi, bao gồm quyền đối với mọi quốc gia để quyết định con đường riêng của mình” - ông Jens Stoltenberg cho biết tạ̣i cuộc họp của các ngoại trưởng NATO. Ông còn nói rằng, NATO sẵn sàng thảo luận về vấn đề kiểm soát vũ khí, nhưng sẽ không cho phép ông Putin hạn chế việc liên minh bảo vệ các nước thành viên.
Đây không phải đây là lần đầu tiên Nga đề cập đến vấn đề này. Hồi tháng 4-2014, Tổng thống Vladimir Putin trong phát biểu trước Quốc hội Liên bang Nga (sau khi Matxcơva sáp nhập Crimea) đã nói về nguyên nhân gia tăng căng thẳng đối với phương Tây. Ông khẳng định: “Họ đã nói dối chúng ta nhiều lần, đưa ra quyết định sau lưng chúng ta, đặt chúng ta trước sự đã rồi”. Ông Putin thẳng thắn chỉ ra, đó là sự mở rộng của NATO sang phía Đông cũng như việc triển khai cơ sở hạ tầng quân sự tại biên giới với Nga, trái ngược với những lời hứa của NATO.
Tài liệu giải mật từ gần 30 năm trước
Không khó để tìm ra minh chứng cho những lời nói của ông Putin. Mới đây, Cơ quan Lưu trữ An ninh quốc gia Nga đã công bố một loạt tài liệu chưa từng thấy tiết lộ chi tiết việc Tổng thống Nga Boris Yeltsin liên tục bị người đồng cấp Mỹ Bill Clinton “đánh lạc hướng” vào giữa những năm 1990. Nói một cách khác, những lời hứa về mối “quan hệ đối tác chiến lược” Nga - Mỹ và bàn thảo với Nga nếu NATO mở rộng chỉ là câu chuyện hão huyền.
Đơn cử, 2 nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã có cuộc điện đàm thân mật vào ngày 5-7-1994. Lúc đó, Tổng thống Mỹ đang chuẩn bị khởi hành đến Ba Lan (quốc gia sắp gia nhập vào NATO) và các nước Baltic, trước khi gặp ông Yeltsin tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Italia. Bản ghi âm cuộc điện đàm cho thấy, nhà lãnh đạo Nga Yeltsin kêu gọi người đồng cấp Mỹ Clinton nêu quan điểm rõ ràng đối với những người Nga ở Estonia và Latvia. Bởi vì “một tuyên bố công khai của ông rằng Hoa Kỳ không ủng hộ bất kỳ hành vi xâm phạm quyền của những người nói tiếng Nga sẽ khiến các nước này sẽ hành động khác”.
Ông Yeltsin lưu ý rằng, việc Lithuania nhanh chóng cấp quyền công dân cho người Nga thiểu số đã khiến Matxcơva rút quân khỏi Vilnius và điều tương tự có thể xảy ra vào tháng 8 ở Tallinn và Riga nếu có sự đảm bảo. Nhà lãnh đạo Nga Yeltsin cũng muốn thảo luận về việc mở rộng NATO. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Clinton thề rằng, ông sẽ “nêu vấn đề về người Nga với tư cách là dân tộc thiểu số ở các nước đó” và trấn an ông Yeltsin rằng, mặc dù NATO cuối cùng có thể “mở rộng”, nhưng ông khẳng định việc này không có lộ trình hay yêu cầu phải như vậy. Thay vào đó, lãnh đạo Nhà Trắng chỉ ra rằng, ông muốn NATO tập trung vào Quan hệ đối tác vì hòa bình - một sáng kiến do Hoa Kỳ dẫn đầu - nhằm tìm cách “đạt được một châu Âu thống nhất, nơi các nước tôn trọng biên giới của nhau và phối hợp cùng nhau”. Kết thúc cuộc trò chuyện, ông Yeltsin phần nào yên tâm vì nghĩ rằng quan hệ đối tác là trọng tâm chính của Washington và liên minh quân sự NATO.
Sự lạc quan của Tổng thống Nga về “quan hệ đối tác cùng có lợi với Hoa Kỳ trên cơ sở bình đẳng” được thể hiện rất rõ trong một bức thư ông Yeltsin gửi cho người đồng cấp Clinton vào tháng 11 năm đó. Ông nói, liên minh tiềm năng này là “nhân tố trung tâm của nền chính trị thế giới”, cam kết hợp tác mang tính xây dựng với Mỹ về các vấn đề liên quan đến Bosnia, Iraq, Triều Tiên và Ukraine. Đồng thời ông cũng háo hức chờ đợi cuộc gặp tại hội nghị ngày 5-12 về an ninh và hợp tác ở Budapest, nơi “chúng ta có nhiều điều để nói về… trước hết là chuyển đổi sự ổn định của châu Âu”.
Trái ngược với điều đó, hội nghị thượng đỉnh ở Hungary lại là một thảm họa. Bài phát biểu của Tổng thống Clinton tại sự kiện này quay ngoắt 180 độ, tập trung vào việc NATO sẽ là “nền tảng an ninh ở châu Âu” và tuyên bố “không quốc gia bên ngoài nào được phép phủ quyết việc mở rộng” - mục tiêu rõ ràng hướng về Nga. Đáp lại, ông Yeltsin khẳng định, “thật là một sự ảo tưởng nguy hiểm khi cho rằng số phận của các lục địa và thế giới… lại do một chủ thể duy nhất quyết định”. Và ông nói thêm rằng, việc NATO mở thêm đến biên giới của Nga sẽ là một lỗi nghiêm trọng.
Nga giữ quan điểm cứng rắn về việc hạn chế không để NATO mở rộng biên giới sát với Matxcơva (Trong ảnh: Binh lính NATO tập trận Agile Spirit năm 2021) |
Lời tiên tri về Chiến tranh Lạnh mới
Một điện tín ngoại giao của Mỹ vào ngày hôm sau cho thấy các bài học nhanh chóng được rút ra. Cụ thể, Mỹ đưa ra đảm bảo riêng nhưng không có thật với Matxcơva rằng, bất kỳ sự mở rộng nào của NATO sẽ chỉ xảy ra sau khi 2 nước tham khảo ý kiến và Nga vẫn có thể chạy đua để trở thành thành viên của khối.
Tháng 5-1995, ông Clinton đến thăm Matxcơva nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng của Đồng minh trong Thế chiến 2. Ông tiếp tục hứa hẹn trong cuộc gặp trực tiếp với ông Yeltsin. Sau cuộc gặp này, bất chấp các kế hoạch mở rộng NATO đã được lên kế hoạch rõ ràng vào thời điểm đó, Điện Kremlin vẫn giữ im lặng không phản ứng, một phần là bởi Tổng thống Yeltsin khi đó rất cần sự hỗ trợ sâu rộng và công khai của Mỹ trong chiến dịch bầu cử. Nhưng chưa đầy 3 năm sau, NATO thâu tóm các thành trì cuối cùng vốn thân thiết với Liên Xô, bao gồm: Cộng hòa Czech, Hungary và Ba Lan.
Điều này khiến một số chuyên gia phải đối, trong đó có ông George Kennan - nhà ngoại giao, một sử gia của Mỹ vốn được biết tới như một người cổ vũ cho chính sách ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô vào cuối Thế chiến 2. “Tôi nghĩ rằng đó là sự khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới… Người Nga dần dần sẽ phản ứng khá bất lợi và nó sẽ ảnh hưởng đến các chính sách của họ” - ông George Kennan nói vào tháng 5-1998, sau khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn việc mở rộng.
Với căng thẳng giữa Kiev và Matxcơva đang ở mức cao nhất mọi thời đại, việc Ukraine có thể trở thành thành viên của NATO đang là trung tâm của cuộc tranh chấp nguy hiểm giữa Nga và phương Tây. Và những lời nhận xét của Kennan ngày đó cho thấy cảnh báo của “nhà tiên tri” này đang trở thành sự thật.
Mới đây, Cơ quan Lưu trữ An ninh quốc gia Nga đã công bố một loạt tài liệu chưa từng thấy tiết lộ chi tiết việc Tổng thống Nga Boris Yeltsin liên tục bị người đồng cấp Mỹ Bill Clinton “đánh lạc hướng” vào giữa những năm 1990. Nói một cách khác, những lời hứa về mối “quan hệ đối tác chiến lược” Nga - Mỹ và bàn thảo với Nga nếu NATO mở rộng chỉ là câu chuyện hão huyền.
(Theo RT/AP)