Tác động của nợ xấu đến các ngân hàng và nền kinh tế
Việc hình thành nợ xấu không chỉ cản trở sự phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng mà còn tác động tới các ngân hàng thương mại, nền kinh tế... từ đó làm suy thoái kinh tế và nảy sinh nhiều vấn đề xã hội khác.
Nợ xấu không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động có trật tự của hệ thống ngân hàng mà còn gây ra tác động dây chuyền tới toàn bộ nền kinh tế.
Tác động của nợ xấu đến các ngân hàng thương mại
Ngân hàng thương mại (NHTM) là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của nợ xấu, cụ thể là:
Ngân hàng giảm lợi nhuận và có nguy cơ mất vốn: Nợ xấu khiến ngân hàng không thể nhận được tiền lãi đúng hạn, thậm chí bị mất vốn, cộng thêm các chi phí phát sinh để xử lý khoản nợ đó. Từ đó làm giảm hiệu quả kinh doanh, hạn chế khả năng tăng trưởng và mở rộng tín dụng của ngân hàng.
Ảnh hưởng đến năng lực thanh toán của ngân hàng: Việc không thu hồi đúng hạn các khoản tín dụng đã cấp ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề chi trả tiền gửi cho người gửi tiết kiệm, làm chậm quá trình tuần hoàn và luân chuyển nguồn vốn của ngân hàng, trường hợp xấu nhất, ngân hàng buộc phải tiến hành sáp nhập hoặc phá sản.
Giảm uy tín và năng lực cạnh tranh của ngân hàng: Việc không thể chi trả đúng hạn tiền gốc và lợi tức cho người gửi tiền, khiến khách hàng không còn tín nhiệm để gửi tiết kiệm tại ngân hàngdẫn đến sự sụt giảm nguồn vốn kinh doanh, làm chậm quá trình mở rộng quy mô cấp tín dụng, ảnh hưởng tới uy tín và năng lực cạnh tranh của NHTM.
Ảnh hướng tới sự phát triển của toàn bộ hệ thống NHTM: Nợ xấu có thể kéo theo rủi ro rút tiền đồng loạt trên thị trường, dẫn đến khủng hoảng tín dụng không thể khắc phục, từ đó gây ra biến động của hệ thống ngân hàng ở các mức độ khác nhau, rất bất lợi cho sự phát triển của NHTM.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, số lượng ngân hàng liên doanh và ngân hàng 100% vốn nước ngoài ngày một gia tăng, canh trạnh trong lĩnh vực ngân hàng trở nên rất khốc liệt, đòi hỏi các NHTM Việt Nam phải hết sức nỗ lực, chủ động nhận thức và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tác động của nợ xấu đối với nền kinh tế
Hoạt động của NHTM liên quan đến việc xây dựng hệ thống tài chính quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế đất nước. Do đó, khủng hoảng tín dụng (TD), đặc biệt là nợ xấu có thể dẫn tới sự đổ vỡ của NH, đe dọa toàn bộ nền kinh tế và an ninh tài chính quốc gia. Nhất là tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp (DN) đều có quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn hoạt động chủ yếu vẫn dựa vào vốn vay từ các tổ chức TD, trong khi đó, nợ xấu khiến NHTM buộc phải siết chặt việc cho vay, gây “nghẽn” dòng vốn hoạt động, ảnh hưởng rất lớn tới các DN.
Nợ xấu không chỉ là vấn đề của từng NH mà là vấn đề của cả quốc gia. Một trong những giải pháp thường được áp dụng trên thế giới chính là mua lại các khoản nợ xấu của NHTM, tuy nhiên, bài toán nguồn vốn để mua nợ xấu luôn là thách thức lớn đối với các công ty quản lý tài sản (AMC).
Bên cạnh đó, công tác tiếp cận, định giá khoản nợ, tìm đối tác bán nợ, tuyển chọn đội ngũ nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý nợ xấu... cũng gặp không ít khó khăn.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, các NHTM Việt Nam cần tăng cường năng lực cạnh tranh cốt lõi, kiểm soát hiệu quả việc phát sinh nợ xấu, áp dụng đồng thời nhiều biện pháp phù hợp để xử lý nợ xấu tồn đọng, từ đó giúp thực hiện tốt hơn các hoạt động kinh doanh trong hệ thống tài chính, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, ổn định của nền kinh tế quốc dân.