A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Ngành Thuế Việt Nam vẹn nguyên tinh thần vì đất nước

Lịch sử mãi khắc ghi, chỉ 8 ngày sau lễ Tuyên ngôn Độc lập trên quảng trường Ba Đình, ngày 10/9/1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 27/SL lập ra Sở Thuế quan và thuế gián thu. Đây là dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho sự ra đời, trưởng thành và phát triển của ngành Thuế Việt Nam.

Kể từ dấu mốc quan trọng đó, ngày 10/9 đã trở thành Ngày truyền thống ngành thuế Việt Nam. Ra đời gần như cùng lúc với ngày lập nước, chặng đường 77 năm qua là chuỗi thời gian ngành thuế vượt qua muôn vàn thử thách, từng bước lớn mạnh, để hoàn thành trọng trách động viên các nguồn lực tài chính phục vụ cho công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đang tiếp tục có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hôm nay.

Đó cũng là khoảng thời gian ngành thuế luôn đóng vai trò chủ công vào việc xây dựng NSNN vững mạnh. Đồng thời, phát huy vai trò là đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội.

Những nhiệm vụ của ngành thuế luôn có mối quan hệ mật thiết với những vấn đề căn cốt nhất của tiến trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong 77 năm qua. Sau gần 4 thập kỷ đổi mới, trải qua các bước cải cách lớn, đến nay ngành thuế đã hình thành hệ thống chính sách khá đầy đủ, bao quát được hầu hết các nguồn thu, áp dụng thống nhất đối với mọi thành phần kinh tế và thích ứng với yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; khuyến khích xuất khẩu, đầu tư, đổi mới công nghệ; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, cải thiện đời sống của nhân dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

Cùng với việc ban hành, sửa đổi các sắc thuế, ngành thuế đã không ngừng rà soát, bãi bỏ hoặc sửa đổi các loại phí, lệ phí không hợp lý; triển khai các chương trình cải cách hành chính theo hướng xóa bỏ các thủ tục rườm rà, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc của người nộp thuế; tinh giản đầu mối và ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý. Trong đó, triển khai hoá đơn điện tử là một đột phá lớn của ngành thuế. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, đổi mới phương thức quản lý theo hướng tự động hóa, nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.

Đại dịch Covid-19 đặt ra gánh nặng chưa từng có tới nền kinh tế thế giới, buộc các quốc gia phải có chính sách hỗ trợ để nền kinh tế phục hồi và phát triển. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi các chính sách tài khóa, mà chủ đạo là chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được thực hiện hơn 2 năm qua, giúp doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo nền tảng để phát triển bền vững trong thời gian tới thông qua các chính sách về kích cầu đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào hệ thống hạ tầng quan trọng.

Ra đời cùng cách mạng, lớn lên cùng đất nước, ngành thuế Việt Nam luôn phát huy truyền thống vẻ vang, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Và như thế, ngành thuế Việt Nam đã và vẫn vẹn nguyên tinh thần vì đất nước.


Tác giả: Theo Quang Lộc/thuenhanuoc.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết