A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nghệ An: Rét đậm rét hại trâu, bò chết ngày một gia tăng

 Những ngày qua do nhiệt độ xuống thấp, nên số trâu, bò được nuôi tại các huyện miền núi, rẻo cao của tỉnh Nghệ An bị chết rét ngày một nhiều. Đáng chú ý, số trâu, bò bị chết chủ yếu thả rông hoặc chăn nuôi tập trung trong rừng. UBND tỉnh Nghệ An đang chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp để phòng chống đói rét, cho trâu bò.

Rét đậm khiến trâu bị chết trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Bá Rê

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Kỳ Sơn, sau mấy ngày không khí lạnh tăng cường nên thời tiết trên địa bàn vốn lạnh giá nay càng gia tăng rét buốt. Thời tiết khắc nghiệt đã làm cho đời sống người dân càng thêm khó khăn, nhất là đàn vật nuôi ngày một yếu dần và chết. Đến ngày 23/2, số trâu bò bị chết rét đã gần 260 con, tập trung tại các xã có số vật nuôi bị thiệt hại nặng như Na Ngoi, Huồi Tụ, Phà Đánh, Tây Sơn, Chiêu Lưu…

Tại huyện Quế Phong, diễn biến thời tiết rét đậm, rét hại khiến số trâu, bò bị chết rét ngày một tăng. Theo ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, đến hôm nay số trâu bò chết do đói rét tăng lên trên 175 con, tập trung nhiều ở xã biên giới Tri Lễ, Nậm Nhoóng…

Ở huyện Qùy Châu, qua thống kê sơ bộ cũng có gần 60 con trâu, bò bị chết trong đợt rét những ngày qua. Số lượng trâu bò bị chết rét ở các xã Châu Thắng, Châu Hội, Châu Thuận, Châu Phong, Diên Lãm…

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Ngay khi có dự báo Bắc bộ và Bắc Trung bộ sẽ trải qua đợt rét đậm, rét hại rất mạnh, Hội Nông dân tỉnh đã có công văn chỉ đạo các cấp hội chủ động phối hợp với chính quyền, phân công cán bộ xuống các hộ dân tuyên truyền vận động, hướng dẫn hội viên phòng, chống rét cho trâu bò đúng cách. Đồng thời khuyến cáo hội viên gia cố chuồng trại, dùng bạt, ni lông che kín chuồng để hạn chế gió lùa; tăng cường vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi; giữ nền chuồng khô ráo và bổ sung chất độn chuồng (rơm rạ, mùn cưa); dùng bạt, chăn, áo cũ, bao tải làm áo ấm cho trâu, bò; đốt lửa sưởi ấm khi nhiệt độ xuống thấp; dự trữ thức ăn và tăng thức ăn giàu năng lượng cho trâu, bò trong những ngày giá rét. Tại các huyện miền núi cao, biên giới, hội viên nông dân còn gặp nhiều khó khăn, chuồng trại chăn nuôi còn sơ sài, Hội đã phát động các cấp hội hướng dẫn bà con may “áo ấm” bằng bạt và các loại chăn, áo, bao tải cũ…

leftcenterrightdel

Ngoài đảm bảo giữ ấm chuồng trại, nguồn thức ăn cần nông dân chủ động hơn. Ảnh: Hồng Sơn 

Trước diễn biến tthời tiết phức tạp, nhiệt độ nhiều nơi xuống thấp gây nên hiện tượng rét đậm, rét hại, đặc biệt vùng núi cao đã làm nhiều gia súc bị chết. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình hình thời tiết vẫn đang diễn biến phức tạp có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sản xuất chăn nuôi. Để kịp thời đối phó với hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do đói, rét và dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện khẩn số 06/CĐ-UBND về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành; chủ tịch UBND các huyện, thành, thị xã tăng cường chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn; các phòng, đơn vị liên quan triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn; ký cam kết các hộ chăn nuôi tuyệt đối không thả rông gia súc trong mùa đông; những hộ chăn nuôi nào cố tình thả rông gia súc, không thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét nếu bị thiệt hại thì không hỗ trợ thiệt hại theo quy định của Nhà nước.

Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra cấp huyện, cấp xã xuống tận thôn, bản, hộ dân để kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, đặc biệt chú trọng các khu vực vùng núi, núi cao. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, ngoài thức ăn xanh cần bổ sung thức ăn tinh bột (ngô, cám…) cho trâu, bò đảm bảo cung cấp tại chuồng không để gia súc bị đói, khát; nhốt gia súc tại chuồng, không thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 120C và cho gia súc nghỉ làm việc; giữ khô nền chuồng, che chắn chuồng trại tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho gia súc; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết