A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Quy chế Tổ chức hoạt động đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn đã ký quyết định ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động đoàn thanh tra của Bộ GDĐT.

Article thumbnail
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Đức Cường cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế điểm thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: LP

Việc tiến hành thanh tra phải đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; đúng nội dung, phạm vi, đối tượng, thời kỳ, thời hạn thanh tra theo quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra và theo chỉ đạo của chánh thanh tra.

Quyết định trưng tập người tham gia đoàn thanh tra là thanh tra viên của cơ quan thanh tra cấp dưới hoặc công chức, viên chức của các đơn vị. Việc trưng tập tham gia đoàn thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP; quyết định việc thay đổi trưởng đoàn thanh tra, phó trưởng đoàn thanh tra và thay đổi, bổ sung thành viên đoàn thanh tra, theo quy định tại Điều 30, 31 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP.

Các trường hợp không được tham gia đoàn thanh tra gồm: Cán bộ, công chức, viên chức có thời gian công tác kể từ ngày ban hành quyết định thanh tra đến thời điểm nghỉ hưu không còn đủ 12 tháng đối với người dự kiến làm trưởng đoàn và không còn đủ 6 tháng đối với người dự kiến làm thành viên đoàn thanh tra; đang là thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra khác mà đoàn thanh tra, kiểm tra đó chưa kết thúc việc tiến hành thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại đối tượng thanh tra, kiểm tra.

Khi làm việc với đối tượng thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thì phải làm việc theo đoàn thanh tra hoặc nhóm có ít nhất từ 2 người trở lên. Nội dung làm việc phải thể hiện đầy đủ, trung thực bằng biên bản.

Khi dự thảo kết luận thanh tra đã được gửi lấy kiến các chủ thể có liên quan theo quy định, chánh thanh tra có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự thảo kết luận thanh tra hành chính và trong trường hợp cần thiết, tổ chức thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành; chỉ đạo việc xem xét, tiếp thu ý kiến thẩm định và hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra.

Việc phân công đơn vị, cá nhân thực hiện thẩm định dự thảo kết luận thanh tra phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung và thời hạn thẩm định.

Chánh thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo đoàn thanh tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra, bảo đảm cuộc thanh tra được thực hiện đúng pháp luật; đúng mục đích, yêu cầu, tiến độ, thời hạn cuộc thanh tra; giải quyết kịp thời các kiến nghị của đoàn thanh tra và các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật; thực hiện đánh giá hoạt động đoàn thanh tra và xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền quy định.

Thủ trưởng các đơn vị liên quan cử công chức, viên chức thuộc đơn vị mình tham gia đoàn thanh tra, đáp ứng tiêu chuẩn đối với người được trưng tập tham gia đoàn thanh tra quy định tại Điều 33 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP và yêu cầu của cuộc thanh tra; giám sát công chức, viên chức thuộc đơn vị mình tham gia đoàn thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định tại khoản 2 Điều 97 Luật Thanh tra; bảo đảm thời gian cho công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ đoàn thanh tra và xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền quy định tại quy chế này.

Thành viên đoàn thanh tra chấp hành quyết định, chỉ đạo của chánh thanh tra; quyết định, chỉ đạo và phân công, điều hành của trưởng đoàn thanh tra; chấp hành chế độ làm việc của đoàn thanh tra và các quy định có liên quan; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên khác của đoàn thanh tra theo quy định tại Điều 82 Luật Thanh tra; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được trưởng đoàn thanh tra phân công; kịp thời phát hiện, đề xuất trưởng đoàn thanh tra báo cáo chánh thanh tra xem xét kết luận, kiến nghị xử lý theo pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra và tổ chức, cá nhân có liên quan; báo cáo trưởng đoàn thanh tra hoặc chánh thanh tra khi phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực của thành viên đoàn thanh tra, người thực hiện giám sát đoàn thanh tra; báo cáo với thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp về lịch trình, kế hoạch tham gia đoàn thanh tra, để thủ trưởng đơn vị thực hiện trách nhiệm giám sát theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Quy chế.

Tổ chức họp để đánh giá hoạt động của đoàn thanh tra, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày kết luận thanh tra được ký ban hành. Nội dung cuộc họp được lập thành biên bản, lưu trong hồ sơ đoàn thanh tra; báo cáo chánh thanh tra kết quả họp đánh giá hoạt động của đoàn thanh tra.

Khi kết thúc thời gian trưng tập, trên cơ sở báo cáo kết quả họp đánh giá hoạt động của đoàn thanh tra, chánh thanh tra có văn bản nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ của người được trưng tập gửi cho thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý người được trưng tập theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP.

Đối với cuộc thanh tra bị chậm thời hạn kết luận thanh tra, căn cứ kết quả đánh giá hoạt động của đoàn thanh tra, báo cáo kết quả giám sát đoàn thanh tra hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền về cuộc thanh tra chậm thời hạn ban hành kết luận thanh tra quá 9 tháng hoặc 2 cuộc thanh tra liên tiếp trở lên, mỗi cuộc chậm quá 6 tháng và nguyên nhân, các cá nhân, đơn vị bị xem xét, xử lý trách nhiệm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết