A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Người trẻ nghe ai: Sếp DH Foods lấy ví dụ về Manchester United "không từ bỏ dù khó khăn", ông Hoàng Nam Tiến khuyên "biết từ bỏ khi lựa chọn sai"

"Đừng từ bỏ cho dù có khó khăn. Bạn thấy đó, Manchester United bao nhiêu năm mới có danh hiệu đầu tiên", CEO DH Foods Nguyễn Trung Dũng cho biết. Ngay sau đó, ông Hoàng Nam Tiến lên tiếng phản biện.

Người trẻ nghe ai: Sếp DH Foods lấy ví dụ về Manchester United "không từ bỏ dù khó khăn", ông Hoàng Nam Tiến khuyên "biết từ bỏ khi lựa chọn sai" - Ảnh 1.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm Whose Chance Talk với chủ đề “Gen Z hỏi, các Sếp trả lời”.

Những chia sẻ trên được đưa ra trong buổi tọa đàm Whose Chance Talk do chương trình “Cơ Hội Cho Ai?” (Whose Chance?) tổ chức tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP. HCM), với chủ đề “Gen Z hỏi, các Sếp trả lời”.

Một sinh viên đặt câu hỏi rằng: Kiên trì, kiên định với mục tiêu là con đường dẫn tới thành công. Vậy khi nào chúng ta nên từ bỏ?

Ông Nguyễn Trung Dũng – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc DH Foods ủng hộ quan điểm sống kiên định. Theo vị Chủ tịch này, mỗi người có thể làm nhiều việc khác nhau trong cuộc đời, nhưng nên có định hướng, mục đích sống và đi theo con đường đó. Làm nhiều việc khác nhau nhưng phải chung mục đích.

Muốn trở thành con người như thế nào, bạn hãy sống như vậy. Đừng từ bỏ cho dù có khó khăn. Bạn thấy đó, Manchester United bao nhiêu năm rồi mới có danh hiệu đầu tiên. Nên kiên trì và kiên định”, ông lấy ví dụ về câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng tại giải Ngoại hạng Anh.

Ngay sau đó, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến cho biết ông muốn phản biện. Dưới góc nhìn của ông, mọi người phải ý thức được mỗi khi bản thân trót lựa chọn sai lầm.

Các bạn ngồi trong trường này có thể đã chọn nhầm ngành học. Đến khi ra trường các bạn sẽ vô cùng thất vọng, rằng tại sao lại sai lầm thế này.

Tôi có hàng trăm nhân viên chọn nghề về công nghệ thông tin, lập trình. Sau đấy các bạn chợt nhận ra để làm nghề này cần phải ngồi từ 8-12 tiếng chỉ nhìn màn hình. Chúng tôi gọi đó là “người tình mặt vuông”, vì nhìn nhiều hơn bất kỳ ai. Và cái màn hình đó rất nhàm chán, không giống như màn hình của Facebook hay TikTok.

Nhân viên của tôi nói rằng em có thể làm rất nhiều việc, nhưng không thể nào ngồi mãi một ngày 8 tiếng được. Nhưng bây giờ em lỡ học Bách Khoa, 5 năm mới ra trường”, ông Tiến kể lại.

Thay vì khuyên nhân viên tiếp tục cố gắng theo đuổi con đường đã chọn, ông Tiến có một suy nghĩ khác.

Tôi nói rằng tin anh đi, em từ bỏ đi. Dành thêm 1 năm nữa học lên trình độ tương đương và bắt đầu cuộc đời mới, không sao cả. Việc biết từ bỏ rất quan trọng”, Chủ tịch FPT Telecom cho hay.

Cũng trong buổi tọa đàm, ông Tiến chia sẻ thêm về vấn đề nhảy việc ở gen Z – thế hệ sinh từ năm 1997 trở về sau, đang chiếm khoảng 54% lực lượng lao động. Theo ông, gen Z nên đổi chỗ làm sau 2-3 năm, đồng thời nên suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc đổi nghề sau một số năm nào đấy, nếu cảm thấy nhàm chán, thất vọng.

Trong khi đó, ông Dương Long Thành – Chủ tịch Tập đoàn Thắng Lợi đánh giá gen Z có khả năng cập nhật, học hỏi công nghệ rất nhanh, nhưng điểm yếu là hay lan man: cái gì cũng biết, nhưng hỏi chuyên sâu lại không biết cái nào.

Khi đã lựa chọn một nghề nào đó, các bạn phải rèn luyện thật giỏi và sâu”, ông nêu quan điểm. “Khi phỏng vấn lựa chọn nhân sự, tôi đánh giá sự tập trung là yếu tố quan trọng”.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết