A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Giao thương với Pháp: Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị kỹ lưỡng

Pháp được đánh giá là thị trường “khó tính”, song cơ hội là luôn có nếu doanh nghiệp Việt Nam có sự chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi tiếp cận.

Doanh nghiệp Việt phải chú trọng yếu tố “thuần Việt”

Ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp cho biết, người tiêu dùng Pháp ấn tượng tốt với Việt Nam, nhưng đó chỉ là lợi thế tiền đề. Để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng trong hệ thống phân phối, tạo ấn tượng với người tiêu dùng Pháp... doanh nghiệp Việt phải đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng Pháp, ngay từ khẩu vị, bao bì đến an toàn thực phẩm...

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng Pháp rất chú trọng tới chất lượng hàng hóa thông qua những chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn của Pháp về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật… Nếu sản phẩm có thêm chứng nhận thân thiện với môi trường, có trách nhiệm với xã hội thì sẽ được chào đón hơn nữa.

Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Pháp cần lưu ý xem sản phẩm mình định chào bán đã có được chứng chỉ cho thấy sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Pháp nói riêng, của châu Âu nói riêng hay chưa?

Thời gian qua, Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp nhận được nhiều "Thư ngỏ" của doanh nghiệp Việt muốn giới thiệu sản phẩm tới thị trường Pháp. Nội dung các "Thư ngỏ" cũng đã liệt kê các chứng chỉ mà doanh nghiệp đạt được. Tuy nhiên, nếu là các chứng chỉ được công nhận ở các khu vực khác, mà chưa phải là Châu Âu hay Pháp thì sẽ không có nhiều giá trị. Đặc biệt, là các chứng chỉ liên quan đến xuất xứ, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh yếu tố chất lượng được người tiêu dùng Pháp đề cao, muốn xuất khẩu được vào thị trường Pháp, doanh nghiệp Việt cần chăm chút hơn nữa để sản phẩm đảm bảo yếu tố “thuần Việt”. Cụ thể như, mẫu mã, bao bì, thương hiệu phải thể hiện được các yếu tố đặc trưng của Việt Nam, có bản sắc riêng và được bảo hộ Sở hữu trí tuệ…

Đơn cử như, với sản phẩm Bia Sài Gòn hay Bia Hà Nội - chưa xét đến chất lượng ngon hay không ngon, nhưng nhờ những giá trị lịch sử lâu đời… mà hai thương hiệu này được người tiêu dùng Tây Âu, trong đó có người tiêu dùng Pháp rất quan tâm.

Hay như chuyện một doanh nghiệp sản xuất nước hoa Miss Saigon, Miss Vietnam sang tìm hiểu cơ hội hợp tác với Pháp. Nhiều người sẽ cho rằng, sang bán nước hoa ở một thị trường sản xuất nước hoa tầm cỡ số 1 thế giới thì khác nào “Chở củi về rừng”. Vậy nhưng thực tế, doanh nghiệp này hoàn toàn có cơ hội bán được hàng tại Pháp khi mà rất nhiều kiều bào trong số 350.000 kiều bào sinh sống tại Pháp, vẫn ấn tượng với hình ảnh chai nước hoa hình cô gái mặc áo dài đội nón lá và mùi hương nước hoa gây thương nhớ…

Hiện ở Pháp có Siêu thị Thanh Bình (siêu thị thuần Việt duy nhất) và các siêu thị châu Á tại Pháp là những nhà phân phối chính cho người gốc châu Á nói chung và gốc Việt Nói riêng. Doanh nghiệp muốn hàng hóa vào được Pháp, trước tiên sản phẩm phải được chấp nhận tại hệ thống phân phối này…

Giao thương với Pháp: Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị kỹ lưỡng

Doanh nghiệp Việt tham gia vinh danh Tết Việt Nam tại hệ thống phân phối bán lẻ của Pháp

Chuẩn bị kỹ khi tiếp cận thị trường Pháp

"Chất lượng sản phẩm là yếu tố số 1, xong doanh nghiệp Việt không nên vì quá chú trọng tới chất lượng sản phẩm, mà quên đi những yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng – đó là cách thức tiếp cận với thị trường Pháp – cụ thể hơn là cung cách giao thương với các đối tác ở Pháp - những người có nhiều khác biệt về phong tục, tập quán, lối sống và khả năng chi dùng" - ông Nam chia sẻ.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất thiếu nhân sự có hiểu biết, kinh nghiệm và kĩ năng đàm phán, giao thương quốc tế. Đây cũng là một hạn chế trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm và thuyết phục khách hàng…

Bên cạnh đó, các chủ doanh nghiệp Việt cần lưu ý đến việc đầu tư, phát triển, thậm chí hợp lực để công ty có quy mô đủ lớn, sản lượng đủ nhiều, hàng hóa đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Pháp... thì hãy tính đường sang Pháp và khu vực Tây Âu. Bởi, doanh nghiệp của châu Âu đa số là những doanh nghiệp rất lớn, đa ngành nghề. Và tư duy của doanh nghiệp lớn là họ cần phải minh bạch, biết quy mô tài chính đối tác, nếu doanh nghiệp Việt không đáp ứng được là coi như thua.

Câu chuyện 5 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân điều “kêu cứu” khi tham gia xuất khẩu nhân điều sang Italy và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3/2022 là ví dụ cho thấy: cơ hội giao thương là vô cùng rộng mở; song doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu và chuẩn bị rất kĩ lưỡng trước khi tiếp cận thị trường các nước tư bản, bởi rủi ro, mất mát là hoàn toàn có thể xảy ra…

Từ ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, ngoài những lợi ích rõ nét về mặt thuế quan đối với hàng hóa, những cam kết chất lượng cao của Việt Nam trong hiệp định này đã mang lại hình ảnh và uy tín tốt của Việt Nam trong mắt các đối tác quốc tế. Hiện nay, nhiều đối tác là các siêu thị, chuỗi phân phối bán lẻ tại Pháp đã có kế hoạch gia tỷ lệ tăng hàng hóa Việt Nam trong hệ thống phân phối của mình.

Đây là một cơ hội tốt để hàng hóa Việt Nam tiếp cận được lượng khách hàng Pháp đầy tiềm năng, tạo tiền đề xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam và thâm nhập thị trường châu Âu nói chung, thị trường Pháp nói riêng. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu rõ các nội dung của EVFTA để có sự định hướng, đầu tư, từ đó tiến tới nâng cao giá trị hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ tại Châu Âu.

Ông Nam nhấn mạnh: "Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp đang hoạt động rất tích cực với khoảng 1.000 thành viên (400 hội viên và 600 đối tác), trong đó có rất nhiều công ty nổi tiếng ở Pháp và Việt Nam. Doanh nghiệp Việt muốn tham gia thị trường Pháp hãy thông qua Thương vụ Việt Nam tại Pháp để chúng tôi tư vấn, hướng dẫn và kết nối".


Tác giả: Hoàng Mai
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết