A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

TP. Hồ Chí Minh: Phát hiện 220 cơ sở kinh doanh vàng vi phạm, xử phạt hơn 9,6 tỷ đồng

Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã và đang tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn.

Trước tình hình thị trường vàng diễn biến phức tạp, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã và đang tích cực triển khai các biện pháp kiểm tra và xử lý vi phạm, tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ và Tổng cục Quản lý thị trường.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh với phóng viên Báo Công Thương về hoạt động kiểm tra và kết quả xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn hành phố.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng và Văn bản chỉ đạo số 587/TCQLTT-CNV ngày 21/3/2024 của Tổng cục Quản lý thị trường, xin ông cho biết công tác kiểm tra và giám sát thị trường vàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã được triển khai như thế nào?

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Quản lý thị trường và UBND Thành phố, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã nhanh chóng ban hành các văn bản triển khai gồm Văn bản số 828/QLTTHCM-NVTH ngày 28/3/2024 về việc thực hiện Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024; Văn bản số 1097/QLTTHCM-NVTH ngày 22/4/2024 về việc thực hiện Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ; Văn bản số 1218/QLTTHCM-NVTH ngày 06/5/2024 về việc chấp hành quy định quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Quyết định số 145/QĐ-QLTTHCM ngày 21/5/2024 về Kế hoạch kiểm tra chuyên đề vàng năm 2024.

Đồng thời, Cục cũng đã yêu cầu các Đội Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh để giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố.

Thưa ông, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, tình hình vi phạm trong kinh doanh vàng diễn biến ra sao?

Tính đến ngày 27/7/2024, Cục Quản lý thị trường Thành phố đã phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý 220 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn, tạm giữ 1.721 đơn vị sản phẩm vàng là nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền,… không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu với tổng giá trị hơn 14,7 tỷ đồng và đã xử phạt với số tiền hơn 9,6 tỷ đồng, hàng hóa vi phạm được xử lý tịch thu theo quy định.

Qua công tác kiểm tra, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện các cơ sở kinh doanh vàng thường có hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh vàng trang sức không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra một cửa hành kinh doanh vàng trên địa bàn (Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh).
Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra một cửa hàng kinh doanh vàng trên địa bàn (Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh).

Với vai trò là cơ quan quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đánh giá như thế nào về tình hình vi phạm liên quan đến kinh doanh vàng trang sức không rõ nguồn gốc, xuất xứ hiện nay, thưa ông?

Theo quy định của pháp luật, các cơ sở kinh doanh vàng, vàng trang sức mỹ nghệ phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.

Cụ thể, tại khoản 13 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là những hàng hóa lưu thông trên thị trường mà không thể xác định được nguồn gốc sản xuất hoặc xuất xứ. Căn cứ xác định nguồn gốc bao gồm thông tin trên nhãn hàng hóa, bao bì, tài liệu kèm theo, chứng từ chứng nhận xuất xứ, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, và các giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp.

Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 6 và khoản 2 Điều 9 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ phải tuân thủ các quy định về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ. Vì vậy, vàng và vàng trang sức mỹ nghệ phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh có kế hoạch thực hiện những hoạt động nào trong thời gian tới?

Tiếp nối những hoạt động đã triển khai, trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Cục Thuế, Sở Khoa học và Công nghệ, và UBND quận 5 tiếp tục tổ chức "Hội nghị phổ biến, hướng dẫn quy định về hoạt động kinh doanh" cho các doanh nghiệp trong hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, sẽ tuyên truyền cho tiểu thương tại chợ An Đông về các quy định pháp luật liên quan đến nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa.

Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với Công an và Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh. Các lực lượng này sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp nghiệp vụ để giám sát chặt chẽ các đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng, nhằm phát hiện, kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định.

Trân trọng cảm ơn ông!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết