A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nhiều điểm mới về quản lý phát triển chợ

Sáng 26-7, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ với nhiều điểm mới.

26.7-hn-cho(1).jpg

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.D

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh, để tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn, bất cập về cơ sở pháp lý liên quan đến đầu tư chợ của các địa phương, Bộ Công Thương đã phối hợp Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 5-6-2024 về phát triển và quản lý chợ. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-8 tới.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tiếp tục tăng cường công tác phát triển và quản lý chợ một cách có hiệu quả.

Tính tới cuối năm 2023, cả nước có 8.318 chợ, trong đó khoảng 83% là chợ hạng 3, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Chợ nông thôn chiếm khoảng 73%.

26.7-ba-nga.jpg

Bà Lê Việt Nga phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.D

Thông tin chi tiết một số điểm mới của Nghị định, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, về đầu tư xây dựng chợ, cho phép địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn.

Quy định này thay cho quy định phân cấp hỗ trợ đầu tư (trung ương, địa phương) đến một số hạng chợ, loại chợ cụ thể như trước đây.

Nghị định bổ sung nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ, đặc biệt liên quan đến việc bảo trì trong chu kỳ dự án đầu tư xây dựng chợ; việc công khai thông tin niêm yết và lấy ý kiến của các bên liên quan khi di dời, xây dựng lại; xây dựng phương án, chính sách hỗ trợ di chuyển; duy trì chợ tạm...

Nghị định cũng đã làm rõ chợ được quản lý bởi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ hoặc đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ đối với tài sản do nhà nước đầu tư… thay vì ban quản lý như trước đây.

Ngoài ra, Nghị định bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư để triển khai Luật Quản lý sử dụng tài sản công.

Điều này sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhiều địa phương trong quá trình triển khai công tác phát triển chợ là tài sản công do nhà nước đầu tư, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ.

Nghị định cũng bổ sung quy trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo kiến nghị của các địa phương.

Nghị định còn bổ sung quy định về chợ đêm; chợ có giá trị di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc; chợ cộng đồng và trách nhiệm phát triển và quản lý các loại chợ này đối với UBND tỉnh.

Cũng theo bà Lê Việt Nga, do nội dung điều chỉnh rộng, chịu sự tác động của nhiều văn bản Luật và có liên quan tới nhiều bộ, ngành nên tại Nghị định cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và UBND cấp tỉnh trong công tác phát triển chợ cho phù hợp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết