A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Những ngày tháng Chạp chưa xa

Sau tháng Chạp năm 1972, lần đầu tiên sau nhiều năm toàn M Bắc vui đón 1 cái Tết yên bình không có tiếng bom nổ, tiếng gầm rú của máy giặc Mỹ trên bầu trời.

Năm tôi tốt nghiệp cấp 3 và thi đậu vào Trưòng Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng là khởi đầu cho những năm tháng ngổn ngang của đất nước thời đạn lửa, cũng là những năm tháng tất bật của tuổi trẻ học đường…

Hầu như năm nào các trường đại học cũng có hai ba đợt tuyển quân. Khóa 15 chúng tôi có 14 sinh viên nhập ngũ, theo 3 đợt khác nhau trong năm 1971 và 1972. Tôi được chứng kiến đợt tiễn đưa các bạn lên đường nhập ngũ năm 1971. Sân trường từ sớm đã đông nghịt người, tiếng cười nói í ới gọi nhau, những cái bắt tay vẫy chào thân thiết, những dòng nước mắt, những cái ôm rất chặt….Cả đoàn người theo lệnh răm rắp đứng vào vào hàng quân chỉnh tề trước kỳ đài. Bài Tiến quân ca vang lên truyền trong mỗi con tim mọi người trên quảng trường, vọng vào từng ô cửa sổ lớp học. Khí thế ra quân hừng hực như lửa cháy. Rồi những pano, áp phích, khẩu hiệu tràn ngập sân trường: “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”, “ Nước còn giặc, còn đi đánh giặc”, “Xẻ dọc Trương Sơn đi cứu nước”…

Những ngày tháng Chạp chưa xa
Những nhân chứng lịch sử ngắm lại bức ảnh của mình trong chiến đấu

Chiến tranh đã lan rộng ra miền Bắc, vào tận các giảng đường rồi! Tôi nhớ có lần, trong giờ nghỉ giải lao, cánh trẻ chúng tôi đua nhau bình thơ “từ miền Nam gửi ra”,

Đó là thơ từ chiến trường của các nhà thơ: Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Hữu Thỉnh... những gương mặt thơ trẻ mới xuất hiện và được giải trong các cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ. Giáo sư Hà Văn Tấn không nói gì, ông lặng lẽ đến bên chiếc bảng đen và viết liền một cột dọc những câu đầu của một bài thơ: Bom/ Nhưng/ Tôi/ Cái/ Vòng/ Nhưng/ Là…rồi “đố” chúng tôi đó là thơ của ai. Tất cả không ai trong số chúng tôi trả lời đúng. Ông bèn đọc nguyên văn bài thơ, ấy là bài thơ Vòng trắng - một bài thơ lúc ấy đang được xem là “có vấn đề” của Phạm Tiến Duật. Bài thơ được in lần đầu trên Tạp chí Thanh niên - Cơ quan của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam:

Khói bom lên trời thành một cái vòng đen

Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng

Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng

Cái yên lặng bình thường đêm sau chiến tranh

Có mất mát nào lớn bằng cái chết

Khăn tang, vòng tròn như một số không

Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng

Là cái đầu bốc lửa ở bên trong…

Rồi những cuộc sơ tán khỏi Thủ đô để tránh bom Mỹ rồng rắn nối nhau của người dân thành phố, của thày trò các trường, phổ thông rồi đại học. Mới đầu là quanh quẩn ngoại thành, sau xa hơn, mãi tận miền núi Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ… xa xôi. Căng nhất là năm 1972.

Là những người học sử chúng tôi biết thế nào rồi chiến tranh cũng ngày càng khốc liệt. Chuyện kể rằng, ngay từ năm 1963, khi Quân chủng Phòng không - Không quân được thành lập. Đây là lực lượng cực kỳ quan trọng được Bác Hồ hết sức quan tâm. Tư lệnh Phùng Thế Tài, Chính ủy Đặng Tính cùng nhiều cán bộ chiến sĩ quân chủng ngày đêm trăn trở để nâng cao sức mạnh phòng không chuẩn bị cho một cuộc quyết chiến chiến lược đã được Bác Hồ tiên đoán trước.

Những ngày tháng Chạp chưa xa
Khách tham quan Triển lãm chuyên đề “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, tại Bảo tàng Chiến thắng B-52, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng (12/1972-12/2022)

Chuyện kể, có lần Bác Hồ sau khi nghe Tư lệnh Phùng Thế Tài báo cáo tình hình đã hỏi: “Chú là Tư lệnh phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa? ”. Vốn thông minh, can trường, từng trải trận mạc nhưng ông vẫn không khỏi lúng túng trước câu hỏi của Bác. Thấy thế, Bác ân cần nói: “Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao hơn mười cây số mà trong tay chú hiện chỉ có cao xạ thôi… nhưng từ nay, là Tư lệnh bộ đội phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay này”. Khi máy bay B-52 Mỹ mở rộng đánh Vĩnh Linh ngày càng dữ dội, Bác Hồ đã chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân: “B-52 đã đánh bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú”…

Đúng như Bác Hồ đã tiên đoán, đế quốc Mỹ đã sử dụng máy bay B- 52 tiến hành cuộc tập kích chiến lược quy mô chưa từng có vào Hà Nội và các thành phố lớn, các cơ sở công nghiệp non trẻ của chúng ta ở miền Bắc. Ấy là tháng Chạp năm 1972. Khi những trận B52 ném bom xuống Thủ đô, trái tim của cả nước, nơi Bộ chỉ huy chiến lược tối cao của Đảng và quân đội ta đóng đại bản doanh. Lớp chúng tôi đang đi thực tập thực tế ở các khu công nghiệp lớn của miền Bắc theo sự phối hợp với Tổng Công đoàn Việt Nam. Tốp đi xa nhất là Vinh - Bến Thủy (Nghệ An) địa phướng nằm nơi tuyến lửa; đông nhất là Nam Định - nơi có nhà máy dệt, một số đông khác lên Thái Nguyên nới có khu gang thép, số khác xuống cảng Hải Phòng… Tôi và ba bốn anh chị em khác lên Việt Trì khảo sát về phong trào công nhân công đoàn nơi nhà máy giấy, nhà máy sản xuất mỳ chính đầu tiên của nước ta.

Những ngày trước khi đế quốc Mỹ mở đợt không kích chiến lược quy mô vào Hà Nội thật yên tĩnh. Tôi và mấy bạn nữ liễu yếu đào tơ: Thanh, Qúy, Thủy, Phương …còn đang trò chuyện với bác Ngôn, một cán bộ công đoàn của nhà máy mỳ chính về thực trạng của phong trào công nhân công đoàn nhà máy, cũng như niềm tự hào của nhân dân ta về những lô mỳ chính đầu tiên mang nhãn hiệu Việt Nam xuất xưởng. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và đồng chí cán bộ miền Nam tập kết bị đứt quãng bởi những ánh chớp lóe lên và sau đó là những tràng pháo cao xạ nổ liên hồi phía cầu Việt Trì… Rồi tiếng loa phát thanh phát ra từ chiếc đài bán dẫn của bác Ngôn thông tin về đợt ném bom B52 của Mỹ vào Hà Nội đã bắt đầu !

Bác Ngôn là người bị sốc nhất khi nghe tin này. Bác lo cho cái nhà máy của bác vừa mới khai sinh, buồn vì ngày được trở về quê hương miền Nam của bác lại thêm xa vời. Bác vừa khóc vừa kể chuyện trước hôm bác xuống tầu đi tập kết từ biệt gia đình, bác gái vừa sinh con mấy ngày, còn chưa kịp đặt tên cho con. Bác cứ đinh ninh rằng, hai năm sau bác sẽ trở về ! Ai ngờ đã 18 năm!

Sau giờ phút bàng hoàng ấy, mấy bác cháu cả đêm không ngủ cứ bám riết lấy cái radio để dõi theo tin chiến sự. Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: Ngày 26 tháng 12 năm 1972, không quân Hoa Kỳ đã ném bom phố Khâm Thiên và rất nhiều nơi khác ở miền Bắc với ý đồ: Đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá (?). Tại phố Khâm Thiên hàng nghìn ngôi nhà bị đánh sập, cướp đi hàng trăm sinh mạng…

Nhà riêng của thầy Vượng (GS Trần Quốc Vượng) của chúng tôi gần Rạp Dân Chủ cũng bị bom đánh sập. Rồi tin nhà tôi ở xã Mai Lâm gần kho xăng Đức Giang cũng trở thành mục tiêu của máy bay Mỹ, bom B- 52 đã làm sạt nửa ngôi nhà, may mà cả nhà đã đi sơ tán từ trước nên không hề hấn gì !...Và tim chúng tôi như thắt lại khi ai đó hớt hải đưa tin, đài dịch nói: Đại tướng Tổng tư lệnh đã tử nạn khi đi thị sát một đơn vị bộ đội tên lừa tại Hải Phòng (!).Hung tin cứ liên tiếp bay lên thành phố ngã ba sông, đến tai đám sinh viên thực tập chúng tôi !

…Nhưng rồi chúng tôi lại thở phào khi sáng hôm sau trở dậy nghe Chương trình phát thanh Quân đội nhân dân đưa tin: Đại tướng thăm một đơn vị pháo cao xạ, rồi tin nhà thơ Tố Hữu khi đến thăm trận địa của đội tự vệ, thấy Phạm Thị Viễn - người con gái của phố Khâm Thiên ngồi trực trên mâm pháo, đầu quấn khăn tang… đã xúc động viết 4 câu thơ về chị trong bài thơ: Việt Nam máu và hoa:

Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ...

Và GS Trần Quốc Vượng, đứng bên ngôi nhà đổ nát của mình đã lấy ngón tay trỏ gõ gõ vào đầu của mình, bảo “Nó cả trong này rồi !” khi trả lời phỏng vấn một phóng viên phương Tây, rằng: “Chả còn cuốn sách nào, ông lấy gì để dạy các học trò của ông?’’.

Thế rồi trước khi rời thành phố Việt Trì, kết thúc đợt thực tập chúng tôi trở về Hà Nội cũng là khi chúng tôi nghe tin: Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn nhất bằng máy bay B- 52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng… đã hoàn toàn bị đánh bại.

Đây là lần đầu tiên, quân và dân ta tổ chức và thực hành thắng lợi một chiến dịch phòng không - một loại hình chiến dịch của chiến tranh hiện đại - đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không của địch, một chiến dịch phòng không độc nhất trong lịch sử giữ nước buộc chính quyền Nixon phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 30/12/1972. Chúng ta chẳng những không phải ‘trở lại thời kỳ đồ đá mà còn là những người đã ‘vít cổ con ngáo ộp B- 52 xuống hồ Ngọc Hà (Hà Nội), đập tan huyền thoại về “pháo đài bay” bất khả chiến bại của đế quốc Mỹ làm lên trận “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy.

Sau tháng Chạp năm 1972 ấy, lần đầu tiên sau nhiều năm toàn miền Bắc vui đón một cái Tết yên bình không có tiếng bom nổ, tiếng gầm rú của máy giặc Mỹ trên bầu trời!

Thập Tam trại, tháng Chạp năm 2022

 

 

Tác giả: Tản văn của Đại tá, Nhà văn Ngô Vĩnh Bình
Nguồn:congthuong.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết