A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tản mạn về “đánh” và “đàm”

Ngày 27-1-2023 vừa tròn 50 năm kể từ khi Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký tại Paris. Sự kiện lịch sử này là ví dụ điển hình về chiến lược “vừa đánh, vừa đàm” của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng theo “tư tưởng Hồ Chí Minh” về quân sự, ngoại giao.

 Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ý tưởng “vừa đánh, vừa đàm” lần đầu tiên được đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (khóa III) họp cuối tháng 12 năm 1966-khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta; đồng thời đưa quân vào miền Nam tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta. Sau khi nhắc lại Nguyễn Trãi từng thực hiện chiến lược lấy yếu đánh mạnh, có đánh, có đàm để chống quân phong kiến nhà Minh, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh, đánh thắng rồi đàm hay vừa đánh vừa đàm “đều nằm trong chiến lược lấy yếu đánh mạnh của chúng ta”.

Một năm sau, tại Hội nghị lần thứ 13 (khóa III) Trung ương Đảng nhấn mạnh chủ trương “đi đôi với đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam, ta cần tiến công địch về mặt ngoại giao... đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam... làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao”. Mặt trận ngoại giao nêu trong nghị quyết không chỉ liên quan tới hòa đàm mà bao hàm cả nhiệm vụ tố cáo tội ác của quân xâm lược, nêu cao tính chính nghĩa của dân tộc ta, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới.

Khác với Hội nghị Geneva năm 1954 liên quan đến phương án chia cắt nước ta do các nước lớn dàn xếp, khi chuẩn bị bước vào đàm phán ở Paris, Đảng ta nhấn mạnh phương châm “giữ tính độc lập” trong “đánh” và “đàm”.

Khi nói tới “đàm” người ta thường nghĩ tới các nhà ngoại giao; điều đó đúng nhưng không phải là tất cả. Suốt trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta ở hai miền Nam-Bắc vô hình chung đã trực tiếp tham gia đấu tranh ngoại giao bằng xương, bằng máu và lòng dũng cảm của mình.

Nếu trong thời gian từ ngày 5-8-1964 tới ngày 1-11-1968, quân và dân miền Bắc không bắn rơi 3.243 máy bay và bắt sống nhiều phi công Mỹ thì đâu chính quyền Mỹ đã chịu chấm dứt vô điều kiện ném bom, bắn phá miền Bắc như phía ta kiên quyết yêu cầu?

Không có cuộc tổng tiến công nổi dậy của quân và dân miền Nam vào dịp Tết Mậu Thân 1968 thì Mỹ đâu có chịu chấp nhận sự tham gia bình đẳng của đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại cuộc hòa đàm 4 bên?

Nếu năm 1971 không có thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 Nam Lào và năm 1972 không có cuộc tiến công chiến lược của quân dân ta ở Bình-Trị-Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ...; đồng thời quân dân miền Bắc không đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác cuối năm 1972 thì chắc gì Mỹ đã ký Hiệp định Paris vào tháng Giêng năm 1973 với cam kết rút hết quân đội Mỹ và đồng minh khỏi miền Nam nước ta và buộc phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của nhân dân ta.

Như vậy là với những thắng lợi vẻ vang trong cả “đánh” lẫn “đàm”, quân dân ta đã thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ là: “Phải trông ở thực lực. Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn!”, tạo điều kiện “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giang sơn thu về một mối như Bác hằng mong mỏi!

Hòa đàm Paris thực sự là một dấu son trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thể hiện sáng ngời những bản sắc văn hóa ngoại giao cao đẹp như kiên định trong mục tiêu; hòa hiếu trong bản chất; nhân văn trong cốt cách; linh hoạt trong hành động.

Ta có thể cảm nhận thấy điều này khi so sánh Hiệp định Paris năm 1973 được ký trên ngưỡng cửa Tết Quý Sửu với văn bản đọc tại Hội thề Đông Quan trong cuộc kháng chiến chống quân Minh ngày 10-12-1427 vào lúc cận Tết Đinh Mùi-một phiên bản ngoại giao đầu tiên trong lịch sử về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở nước ta.

Nếu như tại Hội thề Đông Quan, Tổng binh quân Minh là Vương Thông phải cam kết “tự lòng thành, đúng theo lời bàn, đem quân về nước, không thể kéo dài năm tháng để đợi viện binh đến nơi” thì trong Hiệp định Paris năm 1973, phía Mỹ phải cam kết “trong thời hạn sáu mươi ngày kể từ khi ký Hiệp định này, sẽ hoàn thành việc rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam mọi quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự...”.

Nếu theo hội thề Đông Quan quân ta rộng lòng thả hàng nghìn tù binh, thậm chí còn cung cấp phương tiện, lương thực để tàn quân Minh rút về nước thì theo điều 8 Hiệp định Paris ta đã thỏa thuận về việc trao trả tù binh và tìm kiếm nhân viên quân sự bị mất tích-một việc ta kiên trì thực hiện trong mấy chục năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trong khi ta còn chưa tìm kiếm được hết di hài đồng đội hy sinh trong chiến đấu!

Ngày nay tình hình nước ta cũng như cục diện thế giới đã khác hẳn so với 50 năm về trước. Đã nửa thế kỷ đất nước ta sạch bóng giặc ngoại xâm; từ một nước bị các cuộc chiến tranh xâm lược tàn phá, ngày nay nước ta đã trở thành một nước có thu nhập trung bình tính theo đầu người và đang nỗ lực vươn lên để trở thành nước phát triển. Từ một nước từng bị bao vây cô lập trong nhiều năm, hiện nước ta có quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đồng thời là thành viên tích cực, chủ động, trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, trong một thế giới đầy biến động, hợp tác và cạnh tranh đan xen; hòa bình và xung đột diễn ra cùng lúc thì những bản sắc văn hóa ngoại giao đặc sắc vốn có của dân tộc vẫn còn nguyên giá trị và phát huy tác dụng.

Trong những nỗ lực của cả nước, sức mạnh quốc phòng vẫn tiếp tục đóng vai trò là “cái chiêng lớn” và ngoại giao quốc phòng ngày càng đa dạng, đa phương hơn sẽ tạo nên “cái tiếng” vang xa, góp phần đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do ông cha ta để lại.

Nguyên Phó thủ tướng VŨ KHOAN


Tags: ngoại giao
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết