A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đoàn giám sát UBTV Quốc hội làm việc với Bộ Công Thương về thực thi chính sách năng lượng

Sáng 21/7, Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội đã làm việc với Bộ Công Thương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Buổi làm việc có sự tham dự của thành viên Đoàn giám sát, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học và Tổ giúp việc.

Đoàn giám sát UBTV Quốc hội làm việc với Bộ Công Thương về  thực thi chính sách năng lượng
Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2016-2021, công tác cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Công nghiệp khai thác dầu khí tăng cao, hình thành được một số cơ sở lọc hóa dầu quy mô lớn. Đã đầu tư xây dựng nhiều dự án mỏ than có công suất lớn; sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thủy điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao. Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, là điều kiện quan trọng cho việc bảo đảm an ninh cung ứng điện. Đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo.

Đặc biệt, đã tích cực thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước.

Đoàn giám sát UBTV Quốc hội làm việc với Bộ Công Thương về  thực thi chính sách năng lượng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 với Đoàn giám sát. Ảnh: Nghĩa Đức

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 cũng gặp phải những thách thức như: Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; trữ lượng xác minh các nguồn năng lượng sơ cấp truyền thống có khả năng khai thác không lớn; việc tự chủ nguồn cung năng lượng trong nước là thách thức lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi...

Nội dung làm việc đã tập trung vào các vấn đề: Về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; Về cơ sở hạ tầng ngành năng lượng; Về thị trường năng lượng cạnh tranh (đặc biệt là vấn đề giá điện, bình ổn giá xăng dầu,…); Về việc tái cơ cấu ngành năng lượng, nhất là ngành điện; Về các dự án năng lượng trong nước do Nhà nước đầu tư chậm tiến độ, thua lỗ, đầu tư ra nước ngoài nhiều rủi ro mất vốn; Về Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII và các quy hoạch phân ngành năng lượng khác (than, dầu khí); Về vấn đề chuyển dịch năng lượng; Những vấn đề khác có liên quan (sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; điện hạt nhân; nguồn nhân lực; đất đai; khoa học, công nghệ; bảo vệ môi trường; các vấn đề xã hội (bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế cho người dân vùng bị ảnh hưởng của các dự án năng lượng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số); các vấn đề về quốc phòng, an ninh; tình hình phát triển năng lượng đối với các hải đảo, vùng sâu, vùng xa); Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực năng lượng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết