Địa phương chậm trễ, nhiều dự án có vốn ngoài ngân sách tại Hoà Bình chậm được đầu tư
Thanh tra tỉnh Hoà Bình đã chỉ ra nhiều thiếu sót, tồn tại trong việc chấp hành các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư đối với hàng loạt các dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách Nhà nước (NSNN) tại tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2020-2021 khi tiến hành thanh tra tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) và Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình.
Ngày 19/5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ban hành công văn và giao Thanh tra tỉnh thanh tra việc chấp hành các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư các dự án đầu tư có vốn ngoài NSNN đối với các nội dung như thời gian giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng... tại Sở KHĐT, Sở TNMT, Sở Xây dựng, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố có liên quan, giai đoạn năm 2020 - 2021. Tại Kết luận số 33/KL-TTr ngày 26/12/2022, Thanh tra tỉnh Hoà Bình đã chỉ rõ nhiều thiếu sót, tồn tại.
Còn 7 hợp đồng cho thuê đất chưa được Sở TNMT ký
Trong năm 2020, 2021, Sở TNMT đã tiếp nhận, xử lý, thẩm định và tham mưu UBND tỉnh ban hành 52 quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án đầu tư có vốn ngoài NSNN.
2/52 hồ sơ Sở TNMT tham mưu trình UBND tỉnh Hòa Bình chưa đảm bảo về thời gian theo quy định. Trong 43 hợp đồng cho thuê đất đã được sở ký với các chủ đầu tư thực hiện dự án, có 42/43 hợp đồng chưa đảm bảo về thời gian. Có 7/52 hồ sơ thuê đất đến nay chưa thực hiện ký hợp đồng cho thuê đất (tính từ ngày phải trả kết quả đến ngày 30/10/2022), cụ thể:
Dự án Trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái và Nghỉ dưỡng Hiền Lương, thời gian giải quyết chậm trên 14 tháng.
Dự án Xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đợt I, chậm 22 tháng và Dự án Xây dựng Nhà máy Thủy điện mở rộng đợt II do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư chậm 14 tháng.
Dự án Trồng, sơ chế dược liệu sạch do Công ty Cổ phần Du lịch nông nghiệp Thung Khe làm chủ đầu tư chậm 19 tháng.
Dự án Khu Sinh thái nghỉ dưỡng Bảo thọ Quốc tế Hòa Bình, chậm 10 tháng.
Dự án Đầu tư Xây dựng công trình khai thác và làm Bãi chứa sản phẩm kho đá vôi tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, chậm trên 15 tháng.
Dự án Khu Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Sunset tại xã Tân Vĩnh, huyện Lương Sơn, chậm 08 tháng.
Ngoài ra còn có tồn tại trong việc một số quyết định UBND tỉnh Hòa Bình ban hành chưa đảm bảo về thời gian theo quy định về giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT.
Việc chậm trễ được Thanh tra tỉnh kết luận do lãnh đạo sở chưa sâu sát, công chức được giao nhiệm vụ chưa chủ động; ngoài ra còn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khối lượng công việc của sở nhiều, chậm do từ phía chủ đầu tư…
Sở KHĐT chậm giải quyết hơn 60 hồ sơ
Trong giai đoạn 2020 - 2021, Sở KHĐT đã tiếp nhận và giải quyết 662 lượt hồ sơ thuộc lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam và đấu thầu của các tổ chức có vốn đầu tư ngoài NSNN.
Thanh tra tỉnh kiểm tra 250/374 lượt hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, 150/236 lượt hồ sơ để nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư; bên cạnh một số kết quả đạt được, Thanh tra tỉnh cũng chỉ rõ một số thiếu sót, tồn tại.
Trong 250 hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư được kiểm tra có 49/250 hồ sơ có thời gian giải quyết chậm. Trong đó: 46/49 hồ sơ giải quyết chậm dưới 1 tháng, 3/49 hồ sơ giải quyết chậm trên 1 tháng.
Về thủ tục đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có 12/150 hồ sơ chậm thời hạn giải quyết. Trong đó: 11/12 hồ sơ giải quyết chậm dưới 1 tháng; 1 hồ sơ giải quyết chậm trên 1 tháng.
Về chất lượng tham mưu giải quyết, có 8 hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, chất lượng tham mưu giải quyết của Sở chưa đảm bảo dẫn đến việc phải trả hồ sơ để bổ sung, hoàn thiện.
Ngoài các thiếu sót nêu trên, còn có tồn tại tại một số quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình ban hành chưa đảm bảo về thời gian theo quy định về giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở KHĐT.
Thanh tra tỉnh Hoà Bình xác định nguyên nhân do lãnh đạo Sở còn chưa thực sự quyết liệt, triệt để trong công tác tham mưu, chỉ đạo; công chức được giao nhiệm vụ có lúc, có việc còn chưa chủ động. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khách quan khác như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; việc cung cấp thông tin bổ sung hồ sơ, tài liệu; các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố chậm gửi văn bản tham gia ý kiến thẩm định; do các quy định khác nhau của pháp luật…
Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình. Ảnh: TK |
Sở Xây dựng cũng chậm trễ
Trong năm 2020 - 2021, Sở Xây dựng đã tiếp nhận 87 hồ sơ thẩm định đồ án, đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh (đồ án) và hồ sơ thẩm định nhiệm vụ, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết của dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh (nhiệm vụ) đối với các dự án vốn ngoài ngân sách.
Sở Xây dựng đã thực hiện thẩm định và trình UBND tỉnh ban hành các quyết định phê duyệt nhiệm vụ, phê duyệt đồ án đảm bảo về mặt thời gian đối với 80/87 hồ sơ (đạt 91,95%); tuy nhiên, qua kiểm tra cũng còn nhiều thiếu sót.
Có 7/87 hồ sơ chưa đảm bảo về mặt thời gian, trong đó có 3/46 hồ sơ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch và 4/41 hồ sơ đồ án, thời gian tham mưu chậm dưới 01 tháng. Một số hồ sơ, tài liệu sở còn lưu giữ chưa khoa học, chưa đầy đủ dẫn đến việc phải bổ sung, cung cấp nhiều lần.
Theo Thanh tra tỉnh Hoà Bình, để xảy ra các thiếu sót tại các sở như nêu ở trên, trách nhiệm chính thuộc về các công chức được giao nhiệm vụ thực hiện và lãnh đạo các phòng chức năng trong việc chỉ đạo thực hiện công việc. Thanh tra tỉnh chưa phát hiện có hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc có phản ánh về hành vi tham nhũng của các công chức thực hiện các nhiệm vụ.
Thanh tra tỉnh cũng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình giao Sở TNMT, Sở KHĐT, Sở Xây dựng căn cứ vào các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng và các quy định giải quyết thủ tục hành chính để xây dựng các quy trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính đối với các dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách thuộc thẩm quyền của từng sở, ngành; trong đó xác định rõ về thời gian thực hiện trong từng khâu, từng bước đổi với từng cơ quan, đơn vị xác định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện của từng khâu, từng bước theo quy trình.