A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Không đẩy rủi ro cho người mua nhà

Các thông tin từ Hội nghị tín dụng bất động sản (BĐS) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức ngày 8-2 thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Khơi thông thị trường BĐS cũng chính là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi không chỉ có đóng góp lớn vào GDP mà BĐS còn tác động đến nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác. Tuy nhiên, cùng với việc tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho lĩnh vực BĐS, cần hạn chế những bất cập của thị trường này, những rủi ro cho người mua nhà và tránh nguy cơ gây nợ xấu.

Hiện nay, do khó khăn trong vay vốn tín dụng, chủ đầu tư dự án BĐS đẩy mạnh việc huy động vốn từ người mua nhà thông qua hợp đồng góp vốn hay mua bán tài sản hình thành trong tương lai. Người mua nhà đóng tiền trước cho chủ đầu tư, đến khi dự án hoàn thành sẽ được nhận căn nhà của mình. Tuy nhiên, rủi ro nảy sinh khi dự án không thể hoàn thành theo kế hoạch, dẫn đến khách hàng vừa không lấy lại được khoản tiền đã nộp, vừa không được nhận nhà. Bên cạnh đó, có những chủ đầu tư dùng dự án BĐS làm tài sản bảo đảm để vay vốn tín dụng, nhưng lại tiếp tục huy động vốn bằng hình thức bán nhà hoặc đầu tư, góp vốn. Khi chủ đầu tư không trả được khoản vay ngân hàng thì dẫn đến người mua nhà gặp vướng mắc trong thực hiện thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đơn cử như tại dự án Tokyo Tower (Hà Đông, Hà Nội), chủ đầu tư không trả được khoản vay tín dụng nên đơn vị cung cấp tín dụng là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã thu giữ dự án do phát sinh nợ xấu. Trường hợp này, người mua nhà bỗng vướng vào rắc rối lớn.

Ảnh minh họa: Qdnd.vn 

Trong mối quan hệ với chủ đầu tư dự án BĐS, người mua nhà đang phải chịu thiệt thòi. Bản thân người mua nhà vì không nắm được đầy đủ thông tin nên không lường hết những vướng mắc phát sinh. Nhiều chủ đầu tư đang mạnh tay tăng chiết khấu, giảm giá cho người mua nhà. Điều này khiến không ít người dân chưa tìm hiểu kỹ thông tin về dự án đã vội vàng "xuống tiền". Số vốn góp càng lớn, rủi ro càng cao. Vì vậy, việc đầu tiên người mua nhà cần làm để bảo vệ quyền lợi của mình là tìm hiểu kỹ thông tin liên quan đến dự án, năng lực thực tế, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư như tiền sử dụng đất, các loại thuế, phí, các khoản vay có tài sản bảo đảm...

Pháp luật đã có quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của chủ đầu tư dự án, tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS. Tuy nhiên, vì chạy theo lợi nhuận, một số đơn vị không thực hiện, thậm chí cố tình gian dối với khách hàng. Để ngăn chặn tình trạng này, cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, cần có chế tài mạnh tay, bồi thường thỏa đáng cho khách hàng, có thể tính đến việc nghiêm cấm doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực BĐS nếu bị phát hiện hành vi gian dối. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống thông tin về thị trường BĐS thống nhất, liên thông từ Trung ương đến địa phương, liên kết, chia sẻ dữ liệu với lĩnh vực liên quan như tài chính, ngân hàng để tăng cường quản lý nhà nước và giúp người dân thuận tiện, dễ dàng tìm hiểu, tra cứu.

Quá trình hoàn thiện thể chế, xây dựng công cụ quản lý thị trường BĐS cần hướng đến vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa bảo đảm giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định pháp luật, trong đó có việc huy động và sử dụng vốn. Bảo vệ quyền lợi của người mua nhà chính là giúp xây dựng niềm tin cho thị trường, là cơ sở để BĐS tiếp tục thu hút nguồn lực từ xã hội, đáp ứng nhu cầu an cư của người dân, tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế.


Tags: mua nhà
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết