Cơ hội bứt tốc hàng không, phục hồi du lịch
Ngày 15-3, toàn bộ hoạt động du lịch trên cả nước sẽ vận hành trở lại bình thường sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Các chuyên gia khẳng định, du lịch nội địa có nhiều lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn phục hồi mới nhờ cảnh quan tươi đẹp, truyền thống lịch sử, văn hóa đa dạng, di sản phong phú… để có thể mang đến nhiều trải nghiệm, khám phá thú vị cho du khách.
Với việc mở cửa bay quốc tế và ban hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 với hành khách, Việt Nam đang đi trước đón đầu “làn sóng” khách du lịch quốc tế một cách chủ động. Đại diện các hãng hàng không và Hiệp hội hàng không Việt Nam cho rằng, ngành Hàng không sẽ sớm phục hồi nhanh chóng khi chính sách mở cửa từng bước và phòng, chống dịch Covid-19 đang dần được nới lỏng.
Hàng không đóng vai trò tiên quyết trong việc mở cửa du lịch quốc tế |
Khôi phục lại hàng không, du lịch là hiện hữu
Chính phủ đã quyết định mở lại các đường bay quốc tế từ ngày 15-2 và từ ngày 15-3 mở lại toàn bộ du lịch. Đây được coi là tiền đề quan trọng để ngành Hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động của mình, không bị chậm chân trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới có đường bay đi, đến Việt Nam.
Trong tháng 2-2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 29.500 lượt người, tăng 49,6% so với tháng trước đó và tăng 169,6% so với tháng 2-2021. Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế ước đạt 49.200 lượt người, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2021. Những con số nói trên tuy rất nhỏ so với thời điểm chưa xảy ra đại dịch Covid-19 nhưng là tín hiệu lạc quan cho ngành Du lịch và các đơn vị lữ hành sau 2 năm gần như “đóng băng” vì dịch bệnh. Năm 2022, ngành Du lịch Việt Nam cũng phấn đấu sẽ đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 400 nghìn tỷ đồng.
Mới đây, đề xuất người nhập cảnh Việt Nam không cần phải có xác nhận đã tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi Covid-19, nhưng cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế đang lấy ý kiến các bộ, ngành được cho là “biện pháp mở” để chào đón du khách quốc tế. Hầu hết đại diện các hãng hàng không đều nhận định, với các động thái trên thì trong năm 2022, việc khôi phục lại hàng không, du lịch hoàn toàn không phải cơ hội nữa mà là hiện hữu.
Trên cơ sở có 20 quốc gia, vùng lãnh thổ mở cửa kết nối đường bay quốc tế với Việt Nam, với khoảng 30 đường bay, 30 hãng bay, Cục Hàng không dự báo Việt Nam sẽ đón khoảng 8 triệu khách quốc tế, trong đó có 6 triệu khách du lịch trong năm nay. Thực tế, sau hơn 2 năm bị “đóng băng,” thị trường hàng không và du lịch đang được dự đoán sẽ có sức bật như lò xo. Các nhu cầu đi lại để công tác, khám phá du lịch, đoàn tụ với người thân đang tăng mạnh sau thời gian dài bị kìm hãm.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đang có những biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ rất ý nghĩa dành cho hàng không, như mở cửa trở lại hoạt động bay quốc tế thường lệ từ đầu năm 2022, điều chỉnh và đồng bộ hóa các biện pháp xét nghiệm, cách ly, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách… Tuy nhiên, thách thức đặt ra với hàng không và du lịch là không nhỏ, bởi kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng để phục hồi và phát triển như trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp, ngành nghề và địa phương.
Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại của hành khách quốc tế
Hiện nay, trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đang từng tiến hành dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với công dân nước ngoài nhằm tạo điều kiện phục hồi các hoạt động hàng không, du lịch và giao thương quốc tế. Trước bối cảnh đó, đề xuất của Bộ Y tế sẽ tạo cơ hội tốt để Việt Nam sớm lấy lại đà tăng trưởng như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Cụ thể, các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 đối với hành khách bay hiện nay đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại của hành khách quốc tế. Với việc mở cửa bay quốc tế và ban hành các quy định về phòng, chống dịch với hành khách, Việt Nam đang đi trước đón đầu “làn sóng” khách du lịch quốc tế một cách chủ động.
Đối với các hãng hàng không, đề xuất nới lỏng đối với người nhập cảnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các hãng xúc tiến các kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế đến các thị trường tiềm năng đồng thời xây dựng các chương trình tiếp cận và thu hút các nguồn khách quốc tế đến Việt Nam. Đây có thể coi là cơ hội không chỉ để phục hồi mà còn tạo bứt phá cho du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực, góp phần đáng kể khơi thông dòng chảy đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và các nước”.
Trước mục tiêu mở cửa hoạt động hàng không, du lịch, thúc đẩy khách bay quốc tế đến Việt Nam, đại diện doanh nghiệp hàng không cũng kiến nghị cần có sự hỗ trợ, đồng hành của tất cả các bộ, ngành liên quan, cũng như sự cố gắng, nỗ lực của doanh nghiệp hàng không, lữ hành, lưu trú. Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, một trong những động lực giúp Việt Nam thu hút 18 triệu lượt du khách quốc tế đến là nỗ lực xúc tiến, quảng bá đồng thời có những chương trình, cơ chế, chính sách thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp hành không cho rằng triển khai chính sách thị thực để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến là một trong những điều nên được lưu tâm. Mặt khác, để thu hút khách quốc tế trở lại Việt Nam, đảm bảo an toàn là yếu tố đặt lên hàng đầu; chất lượng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố then chốt.
Có thể nói, đây là thời điểm thích hợp để đẩy mạnh sức mạnh nội tại, thực hiện những bước tiến mới nhằm khai thác các tuyến bay quốc tế một cách hiệu quả, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch của hành khách đồng thời góp phần vào công cuộc thúc đẩy và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Hàng không đóng vai trò tiên quyết trong việc mở cửa du lịch quốc tế, khi khách du lịch đi lại bằng đường hàng không chiếm tỉ trọng lớn, nhất là du khách quốc tế. Do đó, muốn mở cửa giao thương, đi lại thì hàng không phải đi đầu để tạo cú hích cho du lịch.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng báo cáo về việc sẵn sàng các điều kiện để mở cửa du lịch, đón khách quốc tế từ ngày 15-3. Theo đó, khách quốc tế vào Việt Nam được yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) đối với khách nhập cảnh qua đường hàng không và có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính đối với khách nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường biển. Đối với các nước, vùng lãnh thổ có yêu cầu cao hơn thì áp dụng theo quy định của nơi xuất cảnh.
Đối với khách du lịch từ 12 tuổi trở lên phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh; hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 hay các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp trong thời gian không quá 6 tháng.
Có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD. Cài đặt ứng dụng PC-COVID theo quy định của cơ quan chuyên môn và duy trì kết nối trong thời gian tại Việt Nam. Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhập cảnh bằng đường hàng không, khách về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh, nếu âm tính thì được tham gia du lịch, nếu dương tính thì thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý y tế theo quy định.
Sửa đổi quy định nhập cảnh đối với khách du lịch
Để thu hút khách quốc tế trở lại Việt Nam, đảm bảo an toàn là yếu tố đặt lên hàng đầu, chất lượng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố then chốt |
Xét đề nghị của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc mở cửa lại hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả trong điều kiện bình thường mới, tại Văn bản số 1576/VPCP-KGVX ngày 14-3-2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 7-3-2022; gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trước ngày 15-3-2022 để tổng hợp, hoàn thiện và công bố theo thẩm quyền Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tổ chức triển khai các hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hiệu quả, thuận lợi cho khách du lịch.