Trách nhiệm về an toàn điện của cá nhân, tổ chức
Tại hội nghị phổ biến Luật Điện lực số 61/2024/QH15, nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quy định về an toàn điện đã được đề cập chi tiết.
Đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn điện
Thông tin tại hội nghị phổ biến Luật Điện lực số 61/2024/QH15 (Luật Điện lực 2024) và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết diễn ra sáng 4/4, ông Lộ Long Vân - chuyên viên chính Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) - đã giới thiệu một số nội dung chủ yếu về quy định về an toàn điện.
Ông Vân cho biết, tại Luật Điện lực 2024, Chương VIII: Bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực, gồm 2 mục và 12 Điều. Cụ thể, mục 1, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện, gồm 8 Điều (từ Điều 67 đến Điều 74) và mục 2, an toàn công trình thủy điện, gồm 4 Điều (từ Điều 75 đến Điều 78). Trong đó sửa đổi, bổ sung một số nội dung về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong quy định về bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không.
![]() |
Ông Lộ Long Vân, chuyên viên chính Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương). Ảnh: Thanh Tuấn |
Ngoài ra, bổ sung nội dung về trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý vận hành trạm điện trong quy định chung về an toàn điện; sửa đổi, bổ sung một số nội dung an toàn trong phát điện; truyền tải điện; phân phối điện; sử dụng điện cho sản xuất; sử dụng điện cho sinh hoạt, dịch vụ; an toàn ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo; bổ sung quy định chung về an toàn điện; kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện; bổ sung 1 mục riêng quy định về an toàn công trình thủy điện.
Đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp nêu rõ, tại Điều 67 về bảo vệ an toàn công trình điện lực quy định, đơn vị điện lực và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, đường cáp điện ngầm, trạm điện, nhà máy phát điện và các công trình điện lực khác theo quy định của pháp luật. Người sử dụng đất có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị điện lực tiếp cận công trình điện lực để kiểm tra, sửa chữa, bảo trì và khắc phục sự cố.
Bên cạnh đó, khi xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình điện lực hoặc công trình khác có khả năng gây ảnh hưởng đến nhau thì đơn vị điện lực và tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm sau: Phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn về điện và xây dựng; thông báo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện các nguy cơ, hiện tượng mất an toàn đối với công trình điện lực; bồi thường khi gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về dân sự.
Khi không còn khai thác, sử dụng thì công trình điện lực, thiết bị điện phải được xử lý, tháo dỡ, quản lý bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về bảo vệ môi trường.
“Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định về bảo vệ an toàn công trình điện lực tại luật này và luật khác có liên quan; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ an toàn công trình điện lực”, ông Vân cho hay.
Về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực được quy định tại Điều 68, ông Vân thông tin, hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực là vùng xung quanh công trình điện lực cần có biện pháp bảo vệ để bảo đảm an toàn cho con người và công trình điện lực, được xác định trên không, trên mặt đất, dưới lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước tùy thuộc từng loại công trình điện lực.
Hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực bao gồm, hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không; hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm; hành lang bảo vệ an toàn trạm điện; hành lang bảo vệ an toàn công trình điện gió và công trình nguồn điện khác.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số
Cũng tại hội nghị, đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã thông tin về quy định chung về an toàn điện được quy định tại Điều 69, theo đó, người trực tiếp thực hiện công việc xây dựng, sửa chữa, cải tạo, quản lý, vận hành hệ thống điện, công trình điện lực; kiểm định thiết bị, dụng cụ điện và công việc khác liên quan trực tiếp đến hệ thống điện phải được huấn luyện, sát hạch, cấp thẻ an toàn điện.
Chủ đầu tư công trình điện lực, tổ chức, đơn vị quản lý vận hành, xây dựng, sửa chữa, cải tạo công trình điện lực và các hoạt động sử dụng điện cho sản xuất có trách nhiệm sau: Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện, an toàn điện và các quy định của pháp luật về an toàn điện; lắp đặt biển cấm, biển báo, tín hiệu cảnh báo về an toàn điện, an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật…
![]() |
Toàn cảnh hội nghị phổ biến Luật Điện lực số 61/2024/QH15 (Luật Điện lực 2024) và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết. Ảnh: Thanh Tuấn |
“Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thiết bị, dụng cụ điện phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật; cung cấp cho khách hàng hướng dẫn lắp đặt, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng thiết bị, dụng cụ điện bảo đảm an toàn theo quy định”, ông Vân nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật về kỹ thuật điện và an toàn điện quy định tại điểm a khoản 2 điều này; quy định nội dung kiểm tra an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về an toàn trong sử dụng điện.
Về an toàn trong sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, dịch vụ được quy định tại Điều 74, ông Lộ Long Vân cho biết, cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, dịch vụ có trách nhiệm sau: Thiết kế, lắp đặt dây dẫn, thiết bị đóng cắt và thiết bị điện trong nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt, dịch vụ phải bảo đảm chất lượng, an toàn điện, an toàn phòng cháy, chữa cháy, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công trình xây dựng theo quy định của pháp luật và phù hợp với tổng nhu cầu sử dụng điện năng của người sử dụng.
Lắp đặt đường dây dẫn điện từ công tơ đo đếm điện đến nhà ở, công trình, khu vực sử dụng điện bảo đảm chất lượng, an toàn và không gây cản trở đến hoạt động giao thông vận tải; cung cấp thông tin về hệ thống điện trong nhà ở, công trình và nhu cầu sử dụng điện năng khi ký hợp đồng mua bán điện…
Trong đó, đơn vị bán điện có trách nhiệm, hướng dẫn việc lắp đặt, sử dụng hệ thống, thiết bị điện để bảo đảm an toàn; cung cấp cho khách hàng sử dụng điện thông tin về nguy cơ gây mất an toàn trong sử dụng điện và biện pháp bảo đảm an toàn điện.
Ứng dụng công nghệ số trong việc thông tin cho khách hàng sử dụng điện về nguy cơ mất an toàn điện trong quá trình sử dụng điện; định kỳ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho khách hàng sử dụng điện an toàn.
“Khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì đơn vị bán điện có trách nhiệm phối hợp kiểm tra an toàn hệ thống điện của khách hàng sử dụng điện, trường hợp phát hiện có nguy cơ mất an toàn phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn hoặc ngừng cung cấp điện theo quy định của pháp luật”, đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp lưu ý.
Tại hội nghị, ông Vân cũng thông tin về Nghị định số 62/2025/NĐ-CP ngày 4/3/2025 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực. Nghị định này có 6 Chương, 54 Điều, 9 phụ lục và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện, bao gồm: Khoản 5 Điều 67; khoản 10 Điều 68; khoản 9 Điều 69; khoản 2 Điều 72; Điều 74; khoản 7 Điều 75; khoản 6 Điều 76; khoản 5 Điều 77; khoản 8 Điều 78.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực, sử dụng điện hoặc có các hoạt động khác liên quan đến điện lực tại Việt Nam.
Luật Điện lực số 61/2024/QH15 đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ngày 30/11/2024 với 9 Chương và 81 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2025 (gọi tắt là Luật Điện lực 2024), thay thế Luật Điện lực 2004. Luật Điện lực 2024 ban hành nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực điện lực. |