Liên kết chuỗi để phát triển bền vững hạt gạo Việt Nam
Hội thảo "Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” nhằm góp phần bàn giải pháp, chiến lược mới trong bối cảnh thị trường và công nghệ đang thay đổi...
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lê Lâm
Ngày 4-4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ và Trang tin Việt Nam Đầu tư phối hợp tổ chức Hội thảo "Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” với sự tham dự của khoảng 400 doanh nghiệp trong ngành lúa gạo, phân bón, logistics, hợp tác xã và bà con nông dân. Cùng dự, có đại diện nhiều bộ, ngành Trung ương, thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)...
Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè nhấn mạnh, ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua đạt nhiều thành tựu to lớn, đóng góp 50% sản lượng lúa và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, là vùng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Ông Nguyễn Ngọc Hè mong muốn các chuyên gia, đại biểu dự hội thảo sẽ có những ý kiến góp phần giúp ngành hàng lúa gạo liên tục phát triển.
Nông dân, doanh nghiệp dự hội thảo tìm hiểu cơ chế hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank). Ảnh: Lê Lâm
Về hỗ trợ tín dụng, ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 14 (với 183 chi nhánh ngân hàng thương mại tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu) cho biết: Tính tới cuối tháng 12-2024, dư nợ tín dụng cho ngành hàng lúa gạo là 121.000 tỷ đồng, chiếm 55% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc, hỗ trợ mạnh mẽ để ngành lúa gạo phát triển.
Tham luận, thảo luận tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh việc Chính phủ đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, ngoài mục tiêu gia tăng giá trị hạt gạo và thu nhập cho người nông dân, còn khẳng định vị thế quốc gia sản xuất gạo chất lượng cao, gạo ngon nhất toàn cầu.
Nông dân, doanh nghiệp tìm hiểu những giống lúa mới được giới thiệu tại hội thảo. Ảnh: Lê Lâm
Về tái định vị hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định: Việc Chính phủ đề ra chương trình 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao phát thải thấp, đã phát đi thông điệp Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới làm gạo chất lượng cao phát thải thấp với quy mô lớn, tiếp thị mạnh cho thị trường cao cấp.
Theo ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), ngoài việc dần chiếm lĩnh các thị trường truyền thống như Philippines, châu Phi nhờ sự khác biệt về chất lượng và giá cả so với các quốc gia xuất khẩu khác, doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi trong tập quán sản xuất, nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu gạo trải rộng khắp châu Á, châu Phi (18%), Trung Đông (2%), châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương (4%). Trong đó, châu Á vẫn là thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 72% tổng lượng xuất khẩu.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VFA, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex, đề xuất: Để tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới, VFA kiến nghị tiếp tục hỗ trợ chính sách, vốn, nhất là cho phát triển giống lúa chất lượng cao; hỗ trợ hoàn thuế VAT nhanh; hỗ trợ thông tin mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cảng Cái Cui và nâng cấp kênh Quan Chánh Bố ở ĐBSCL để tạo thuận lợi cho xuất khẩu.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh, thu hút đầu tư vào chế biến lúa gạo… góp phần cho ngành lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung tạo nên một trong những nền tảng quan trọng để chúng ta hướng tới mục tiêu phát triển đất nước hùng cường, giàu mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.