A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Giá xăng giảm, doanh nghiệp và người dân vui mừng

Từ 0 giờ ngày 11-7, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm hơn 3.000 đồng/lít. Trước thông tin giá xăng dầu giảm mạnh, đa số người tiêu dùng đều cảm thấy phấn khởi và bày tỏ hy vọng không chỉ cước vận tải mà giá các mặt hàng trước đó tăng theo giá xăng sẽ sớm được điều chỉnh giảm.

Phấn khởi vì giá xăng dầu hạ nhiệt

Theo khảo sát của phóng viên tại nhiều cây xăng trên địa bàn Hà Nội, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng người dân nườm nượp xếp hàng chờ đổ xăng khi giá giảm sâu. Mặc dù không đổ xô đi mua xăng như những kỳ điều chỉnh trước, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy vô cùng hào hứng khi có thể tiết kiệm được chi phí đi lại, bớt đi một phần gánh nặng trong cuộc sống.

Đứng chờ đổ xăng tại một cây xăng trên đường Thụy Khuê, anh Anh Nguyễn Quốc Thịnh, một lái xe công nghệ chia sẻ, khi giá xăng bị đẩy lên cao, nhiều lái xe công nghệ như anh không dám đi lòng vòng bắt khách, thậm chí một số người còn phân vân không biết có nên bám trụ với nghề hay không. Bởi vì cứ mỗi chuyến xe, không cần biết cuốc dài hay ngắn, kết thúc chuyến là app sẽ tự động trừ gần 26%. Số tiền còn lại nhận được, tài xế sẽ phải tự lo các chi phí như: Tiền xăng, điện thoại, hao mòn xe, ăn uống. Đấy là chưa kể, vào giờ cao điểm, không đến đón kịp là khách hủy chuyến. Khi ấy, tài xế không những không nhận được tiền xe mà còn phải chịu lỗ thêm tiền xăng.

“Đối với các tài xế như chúng tôi, giá xăng giảm mạnh đúng là một tin vui. Tôi mong rằng thời gian tới, giá xăng tiếp tục được điều chỉnh giảm để tiết kiệm chi phí, giảm bớt áp lực nơi thị thành đắt đỏ”, anh Nguyễn Quốc Thịnh bày tỏ.

Người dân phấn khởi trước thông tin giá xăng dầu giảm mạnh. 

Là người chịu ảnh hưởng không nhỏ khi giá xăng dầu tăng cao, chị Vũ Thị Hải Yến, chủ một cửa hàng tạp hóa tại đường Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy cho biết: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết giá xăng dầu trong nước tăng theo tình hình chung của toàn thế giới. Tuy nhiên, việc giá xăng liên tục được điều chỉnh theo hướng “tăng nhiều, giảm ít” như thời gian vừa qua đã khiến cho gia đình tôi cũng như nhiều hộ kinh doanh khác gặp khó. Bởi giá xăng dầu tăng cao sẽ khiến cho chi phí vận chuyển hàng hóa, giá nhập sản phẩm bị đẩy lên. Khi đó, chúng tôi buộc phải điều chỉnh lại giá thành của sản phẩm. Khi đọc thông tin giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm hơn 3.000 đồng/lít, cá nhân tôi cảm thấy rất vui vì các ban, bộ, ngành đã thấu hiểu được khó khăn của người dân và có sự hỗ trợ kịp thời. Khi giá xăng được điều chỉnh giảm, tôi sẽ cân đối điều chỉnh giá bán của sản phẩm cho phù hợp để bảo đảm người dân có được mức giá tốt nhất. Khi giá thành của sản phẩm hạ, hoạt động mua bán của người dân sẽ sôi động hơn và công việc buôn bán của tôi cũng bớt khó khăn”.

Chia sẻ niềm vui khi giá xăng dầu trong nước giảm mạnh, bạn Trần Đình Long, sinh viên năm 4, Đại học Văn hóa Hà Nội hào hứng chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày, em phải di chuyển hơn 20 km nên tiền xăng xe đi lại là một vấn đề khá lớn. Khi giá xăng tăng cao, em buộc phải cân đối lại các khoản chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày để bù vào chi phí đi lại. Hôm nay, đọc được thông tin giá xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít, em cảm thấy rất vui bởi vì tính ra, số tiền tiết kiệm được mỗi tháng cũng khá nhiều”.

Đứng trên góc độ doanh nghiệp, anh Trần Đình Hoàng, Giám đốc Công ty KOA logistics cho biết: Hiện tại công ty đang có 3 đầu container chuyên chạy tuyến Hải Phòng - Thanh Trì (Hà Nội). Trung bình mỗi tháng, công ty phải chi khoảng gần 300 triệu để mua nhiên liệu. Vì vậy, khi giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng, công ty phải đối mặt với không ít khó khăn. Bởi khi giá xăng tăng, mọi chi phí từ nguyên liệu thô, nhân công, vận chuyển cũng sẽ tăng theo. Trong khi đó, các doanh nghiệp không thể lúc nào cũng điều chỉnh giá vận tải cho khách hàng mà phải theo lộ trình và hợp đồng ký kết ban đầu. 

“Vì vậy, khi nghe thông tin Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn, tôi cảm thấy rất phấn khởi và tạm thời trút bỏ được gánh nặng. Mặc dù mức giảm này so với mức tăng “nóng” trong thời gian qua không phải quá lớn nhưng ở thời điểm doanh nghiệp mới ổn định lại công việc kinh doanh sau đại dịch Covid-19 thì bất kỳ sự giảm giá nào cũng đáng trân trọng”, anh Trần Đình Hoàng khẳng định.

Gỡ khó cho người dân và doanh nghiệp

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, có tác động trực tiếp đến nền kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân. Nếu như mặt hàng này không được quản lý và điều hành tốt thì chắc chắn các ngành sản xuất, kinh doanh và sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 sẽ khó đạt được theo lộ trình đã đặt ra.

Đứng trước việc giá xăng dầu liên tục tăng cao trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan rà soát và báo cáo Chính phủ đề xuất, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các loại xăng dầu về mức thấp nhất trong khung thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Người dân mua xăng tại một điểm kinh doanh xăng, dầu ở Hà Nội. 

Ngày 8-7-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo mức Chính phủ đề xuất. Theo đó, bắt đầu từ ngày 11-7, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế sẽ chính thức áp dụng. Điều này được kỳ vọng giảm được phần nào giá xăng dầu đang ở mức cao như hiện nay, góp phần gỡ khó cho các doanh nghiệp và người dân.

Tối 10-7, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu cùng thời điểm Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11-7.

Theo đó, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường từ 0 giờ đêm nay, 11-7 như sau:

- Xăng E5RON92 không cao hơn 27.788 đồng/lít (giảm 3.103 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.886 đồng/lít;

- Xăng RON95-III không cao hơn 29.675 đồng/lít (giảm 3.088 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

- Dầu diesel 0.05S không cao hơn 26.593 đồng/lít (giảm 3.022 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

- Dầu hỏa không cao hơn 26.345 đồng/lít (giảm 2.008 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

- Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.712 đồng/kg (giảm 2.010 đồng/kg so với giá bán hiện hành).

Như vậy, đây là lần giảm thứ 2 sau 7 lần tăng liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay của giá xăng, dầu. Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Hiện, giá xăng trong nước đã xuống dưới mức 30.000 đồng/lít, gần bằng mức giá vào giữa tháng 4.

Việc điều chỉnh giá xăng dầu giảm mạnh lần này không chỉ giúp giảm chi phí đi lại cho người dân mà còn kéo theo giá một số mặt hàng tiêu dùng giảm. Từ đó, góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều kỳ vọng việc ổn định giá xăng, dầu sẽ tiếp tục được cơ quan chức năng tính toán, duy trì nhằm tháo gỡ khó khăn, tiết kiệm chi phí bởi việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế chỉ đến hết ngày 31-12-2022.

Bài, ảnh: TRẦN YẾN

 


Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết