A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bài 1: Thị trường trong nước - bệ đỡ vững chắc

LTS: Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu còn nhiều rủi ro, đứt gãy, việc tiếp tục khơi thông thị trường nội địa gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những giải pháp quan trọng bảo đảm ổn định sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Doanh nghiệp (DN) quân đội có ngành nghề đa dạng, ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, bảo đảm sản xuất quốc phòng còn tham gia sản xuất nhiều mặt hàng kinh tế phục vụ đời sống dân sinh, nhiều sản phẩm có lợi thế cho việc mở rộng chiếm lĩnh thị trường nội địa. Thị trường nội địa với gần 100 triệu dân đang là “mỏ vàng” mà DN quân đội cần phải có chiến lược bài bản để phục vụ thành công.

Xuất khẩu vẫn là hướng đi quan trọng đối với DN Việt Nam, song việc tiêu thụ tốt trong thị trường nội địa sẽ là bước đệm bảo vệ cho xuất khẩu, để hàng hóa Việt Nam không chịu nhiều sức ép hay bị phụ thuộc quá lớn vào thị trường nước ngoài. Thị trường trong nước với quy mô gần 100 triệu dân được đánh giá là thị trường đủ rộng cho DN khai thác, phát triển.

Thị trường tiềm năng

Hơn hai năm qua, do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhiều DN bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, các đơn hàng bị ngừng trệ. Tỷ lệ tồn kho tăng cao khiến nhiều DN phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có DN phải tạm dừng hoạt động hoặc giải thể vì không chống chịu nổi trước cú sốc của thị trường. Trong bối cảnh này, thị trường với quy mô dân số gần 100 triệu người, cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50), không chỉ giúp DN giải quyết khó khăn về đầu ra mà còn giúp DN tích lũy thêm tiềm lực để tiếp tục vươn ra thị trường thế giới. “Đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại. Thị trường nội địa đã thực sự là bệ đỡ cho các DN trong nước”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Khách hàng tìm hiểu sản phẩm quạt điện của Nhà máy Z199. Ảnh: DŨNG TUẤN 

Phát triển thị trường trong nước là giải pháp chiến lược thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, là động lực dài hạn cho tăng trưởng kinh tế. Những năm qua, chủ trương, chính sách phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được Đảng, Chính phủ triển khai rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng DN, đông đảo nhân dân. Đến nay, lòng tin của người tiêu dùng đối với chất lượng hàng Việt ngày càng được nâng lên, ngày càng nhiều người Việt Nam tin dùng hàng Việt Nam.

Kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) năm 2019 cho thấy, có 67% số người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam; 52% số người được hỏi luôn khuyên người thân, bạn bè sử dụng hàng Việt Nam; 36% số người tiêu dùng chuyển từ mua hàng nhập khẩu sang hàng sản xuất trong nước. Tác động của dịch Covid-19 cũng đã làm thay đổi xu hướng mua hàng của người Việt, khi có đến 76% số người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng trong nước, nhất là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe. Tại các hệ thống phân phối, sự hiện diện của hàng hóa trong nước ngày càng nhiều với mức tiêu thụ tăng lên.

Doanh nghiệp quân đội hướng về thị trường nội địa

Tích cực tham gia phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, các hợp đồng kinh tế xuất khẩu, các DN quân đội đã đẩy mạnh sản xuất, hướng đến nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xác định đây là chiến lược dài hạn của DN.

Điển hình như Nhà máy Z199, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP)-đơn vị sở hữu thương hiệu “PEC-Điện cơ 91-Bộ Quốc phòng”, trong đó quạt điện đã trở thành sản phẩm phủ sóng khắp thị trường trong nước và xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ latin, một số nước Đông Nam Á. Trong chặng đường chinh phục người tiêu dùng Việt, nhà máy đã liên tục thay đổi mẫu mã sản phẩm. Từ chiếc quạt thô sơ, nhiều chi tiết bằng gang dễ gỉ do thời tiết, khối lượng nặng... đến nay đã gọn, nhẹ, mẫu đẹp, chạy êm, ít tốn điện, tích hợp chức năng điều khiển từ xa, thuận lợi cho người sử dụng, giá bán chỉ bằng 1/2-1/3 sản phẩm nhập khẩu. Nhờ đó, các loại quạt điện mang thương hiệu “PEC-Điện cơ 91-Bộ Quốc phòng” luôn là sự lựa chọn của nhiều gia đình Việt Nam. Các sản phẩm quạt điện của nhà máy nhiều năm liên tục được người tiêu dùng bình chọn “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, “Thương hiệu nổi tiếng quốc gia”, “Tốp 50 nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam”...

Những ngày này, tại Nhà máy Z199, các thiết bị máy móc đang phải hoạt động hết công suất, không khí làm việc khẩn trương. Đặc biệt, tại các nhà kho, tấp nập các xe ra vào để chờ lấy hàng. Giải thích với chúng tôi về điều này, Đại tá Trần Văn Hòa, Giám đốc nhà máy cho biết: "Các sản phẩm quạt điện của nhà máy được người tiêu thụ tại khắp các địa phương trong cả nước, nhiều nhất là các tỉnh từ miền Trung trở ra. Nhiều năm nay, nhà máy đều giữ nhịp sản xuất cao độ sản phẩm này, nhất là vào mùa cao điểm nắng nóng, sản lượng tiêu thụ quạt điện thương hiệu "PEC-Điện cơ 91-Bộ Quốc phòng” tăng trưởng đột biến. Quạt điện là mặt hàng có sự cạnh tranh rất lớn, không chỉ từ trong nước mà cả hàng ngoại nhập. Do đó, để giữ chân được khách hàng, yếu tố quyết định là chất lượng, đi kèm với việc cải tiến mẫu mã, tính năng, kiểu dáng, giá thành cạnh tranh”.

Tương tự, Nhà máy Z176 là một trong những DN dẫn đầu Tổng cục CNQP về xuất khẩu, song cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội từ thị trường trong nước gần 100 triệu dân. "Thị trường trong nước là “mảnh đất màu mỡ” để khai thác nhưng trước đây DN còn bỏ ngỏ. Thời gian qua, để gia tăng thị phần trong nước, nhà máy đã tiến hành nghiên cứu phát triển những sản phẩm cấp thiết cho nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có khẩu trang, quần áo bảo hộ và chăn, gối, đệm phục vụ giường bệnh... và đã sản xuất, tiêu thụ được số lượng lớn. Hiện nay, nhà máy tổ chức phát triển sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của người dân như lều bơm hơi phục vụ cắm trại dã ngoại, các loại túi đi chợ, túi cài, vali... Những sản phẩm này được đánh giá sẽ tăng trưởng mạnh”, Đại tá Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Nhà máy Z176 nhận định.

Cũng quan tâm tới thị trường “sân nhà”, ngoài bảo đảm nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, nhiều DN quân đội đã có các sản phẩm kinh tế hướng tới phục vụ nhu cầu của thị trường nội địa như Nhà máy Z115 (Tổng cục CNQP), nơi sản xuất thuốc nổ phục vụ các ngành công nghiệp, xây dựng dân dụng. Nhà máy Z121 nổi tiếng với sản phẩm phục vụ dân dụng như pháo hoa, thuốc nổ công nghiệp, phụ kiện nổ; Nhà máy Z189 (Tổng cục CNQP) là đơn vị đột phá đi đầu trong công nghệ đóng tàu vỏ hợp kim nhôm, cho ra đời hàng loạt tàu, xuồng vận chuyển khách, phục vụ du lịch, cảng vụ... Những sản phẩm mang thương hiệu của các DN quân đội được cơ quan chức năng, khách hàng đánh giá cao.

(còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN


Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết