Giá vàng ghi nhận khoảng thời gian suy giảm dài nhất trong hơn 50 năm
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá vàng đã giảm ước tính khoảng 10%. Còn nếu tính từ cuối tháng 3/2022, giá vàng đã giảm hơn 15%.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá vàng đã giảm ước tính khoảng 10%. Còn nếu tính từ cuối tháng 3/2022, giá vàng đã giảm hơn 15%.
Giá vàng đang rơi vào xu thế suy giảm sau 7 tháng sụt giảm liên tiếp – chuỗi thời gian giảm dài nhất trong vòng hơn 5 thập kỷ. Và điều này diễn ra ở thời điểm mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ công bố đợt nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thú 4.
Trong tháng 10/2022, giá vàng giao ngay giảm 1,4% và có tháng giảm thứ 7 liên tiếp, điều chưa từng xảy ra từ năm 1968. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá vàng đã giảm ước tính khoảng 10%. Còn nếu tính từ cuối tháng 3/2022, giá vàng đã giảm hơn 15%.
Sau khi lập mức đỉnh hơn 2.000USD/ounce vào tháng 3/2022 sau khi căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, giá vàng đã chật vật trong việc duy trì đà tăng. Giá vàng chủ yếu giao dịch trong xu thế suy giảm, đồng USD mạnh hơn và lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng gây sức ép lên giá vàng.
Trong khi nhiều người hiện vẫn đang tranh luận về khả năng Fed sẽ chuyển hướng chính sách tiền tệ hoặc thậm chí có thể hãm đà nâng lãi suất trong những tháng tới, cho đến giờ Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn tính đến khả năng nâng mạnh lãi suất trong ngày thứ Tư.
Theo nghiên cứu mới nhất từ Goldman Sachs, nhiều khả năng Fed sẽ nâng lãi suất lên mức 5%, vốn cao hơn so với tính toán trước đây của chính ngân hàng này. Trong cuộc họp gần nhất, các dự báo của Fed cho thấy lãi suất có thể lên 4,4% trong năm nay và 4,6% vào năm sau.
Sau cuộc họp vào tuần này, Fed có thể sẽ nâng lãi suất 375 điểm cơ bản trong năm nay, lãi suất đồng USD liên bang lên mức 3,75% - 4%.
Các tính toán của Goldman Sachs cho thấy Fed sẽ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong tuần này, 50 điểm cơ bản trong tháng 12/2022 và 25 điểm cơ bản vào tháng 2 và tháng 3/2023. Đồng thời Goldman Sachs cũng nói đến lạm phát cao bất thường, khả năng kinh tế suy giảm tăng trưởng và những nỗi lo về khả năng nới lỏng chính sách quá sớm là những yếu tố chính sẽ khiến Fed vẫn duy trì siết chặt chính sách tiền tệ ít nhất cho đến tháng 2/2023.
Trong lúc đó, khi mà Fed vẫn tiếp tục hãm phanh tăng trưởng nền kinh tế, rủi ro suy thoái kinh tế đang tăng lên. Suy thoái kinh tế tại Mỹ và châu Âu nhiều khả năng sẽ xảy ra, theo nhận định của CEO JP Morgan Chase – ông Jamie Dimon và CEO của Goldman Sachs – ông David Solomon.
“Chúng ta nhiều khả năng sẽ có suy thoái kinh tế tại Mỹ và cả châu Âu nữa. Không còn nghi ngờ gì nữa, các điều kiện kinh tế nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục bị thắt chặt từ thời điểm này”, ông Solomon nói trong cuộc đối thoại về tương lai đầu tư tại Riyadh mới đây.
Khi mà quyết định chính sách của Fed sẽ được đưa ra sau chỉ hơn một ngày nữa, câu hỏi chính được thị trường quan tâm hiện tại chính là liệu Ngân hàng Trung ương Mỹ có hãm đà nâng lãi suất sau cuộc họp vào tháng 11/2022 hay không. Việc chuyển sang hướng hãm đà nâng lãi suất sẽ tích cực với giá vàng, chính vì vậy không ít chuyên gia đang tin vào triển vọng của giá vàng.
“Fed nhiều khả năng sẽ tránh nâng lãi suất quá mạnh tay. Có thể sẽ có quan chức nói đến hãm đà nâng lãi suất trong cuộc họp lần tới. Giá vàng tính theo đồng USD đã diễn biến khá bất lợi. Nếu đồng USD hạ giá, vàng sẽ có diễn biến rất thuận lợi”, chuyên gia môi giới cao cấp về thị trường hàng hóa tại RJO Futures – ông Daniel Pavilonis nói với Kitco News.
Bởi Fed vốn đã rất nhanh nhạy với các đợt nâng lãi suất, Fed có thể sẽ để cho giá cả tự diễn biến để xem tình hình như thế nào.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích vẫn thận trọng, họ nhấn mạnh rằng thị trường dường như đã dự báo quá mức về khả năng Fed chuyển hướng: “Cuộc họp báo sẽ được theo dõi sát sao, và chúng tôi tin rằng chủ tịch Fed sẽ vẫn duy trì quan điểm cứng rắn vốn đã được duy trì suốt từ cuộc họp tại Jackson Hole vào cuối tháng 8/2022. Sau quyết định đó, các quan chức của Fed sẽ vẫn tái khẳng định quan điểm này”.