A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 6/7: Xuất khẩu tăng mạnh qua thương mại điện tử

Dưới góc nhìn báo chí ngày 6/7, thương mại điện tử đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam ra các quốc gia khác trên thế giới.

Chủ đề xuất nhập khẩu tiếp tục được quan tâm trên các mặt báo. Báo VnExpress có bài “Xuất khẩu gạo sang Mỹ tăng vọt”. Theo đó, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang Mỹ tăng trưởng 71,3%, mức tăng mạnh nhất trong các quốc gia nhập gạo Việt. Mặc dù đang được thị trường Mỹ, châu Âu ưa chuộng, gạo Việt vẫn đứng trước nhiều thách thức khi đối thủ là Thái Lan, Ấn Độ đang bán gạo với giá rẻ do đồng tiền nước này giảm mạnh. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, dù thị trường nhập khẩu biến động và cạnh tranh mạnh mẽ, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay ước đạt 6-6,2 triệu tấn, tương đương năm 2020 và 2021 với trị giá trên 3,2 tỷ USD.

Trong khi đó, báo Tuổi trẻ có bài “Xuất khẩu tăng mạnh qua thương mại điện tử”. Bài báo trích dẫn báo cáo về xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại Việt Nam do Hãng Amazon vừa công bố, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tăng trưởng trên 20%/năm, đạt 75.400 tỉ đồng (3,3 tỉ USD) trong năm 2021 và dự kiến đạt 256.100 tỉ đồng (11,1 tỉ USD) vào năm 2026. Trong đó, hơn 64% doanh số do các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tạo ra. Báo cáo nhận định nếu coi "thương mại điện tử B2C" như là một ngành hàng xuất khẩu, đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng là một đề tài được nhiều báo quan tâm. Báo Tiền phong có bài “Đưa công nghiệp hỗ trợ vào chuỗi cung ứng toàn cầu: Kỳ vọng từ sự trỗi dậy của các địa phương”. Theo các chuyên gia của OECD, công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm những năm qua với các ưu đãi tập trung cho sáu nhóm ngành (dệt may; da giày; điện tử; ô tô; cơ khí, máy công cụ; và công nghiệp công nghệ cao). Dù được đánh giá là chủ trương đúng đắn, nhưng nguồn ngân sách dành cho chương trình tương đối mỏng và hầu như chỉ giới hạn trong các ưu đãi thuế và trợ cấp vay vốn. Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đến nay, cùng với các chính sách của Chính phủ và hàng loạt ưu đãi từ các địa phương, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia.

Trong khi đó, báo Vietnam Plus có bài “Còn ít doanh nghiệp cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho Nhật Bản”. Những năm qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã và đang cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo. Mặc dù một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại những lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa-cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản vẫn hạn chế.

Về vấn đề hạ giá xăng dầu, báo Dân trí có bài “Giá xăng tăng sốc, gợi ý giảm thuế của Bộ Tài chính bị chê "muỗi đốt inox". Có ý kiến chê đề xuất giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường trong cơ cấu giá xăng là quá ít, Bộ Tài chính cho biết chính sách giảm thuế làm giảm thu ngân sách tới hơn 32.500 tỷ đồng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết