A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Mặt bằng bán lẻ "nóng" trở lại, giá âm thầm tăng

Tham vọng chiếm lĩnh thị trường của các “ông lớn”, cùng sự gia nhập của hàng loạt thương hiệu quốc tế mới đang phả hơi nóng vào thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam. Chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp “xuống tiền” thuê mới trước khi "bão giá" ập tới.

Theo Savills, nhiều thương hiệu quốc tế mới như Columbia, %Arabica, Ain & Tulpe, 6ixty8ight, hay các nhãn hàng đã trì hoãn kế hoạch tham gia thị trường vào năm 2021 như Bath & Body Works, Prima Donna, Sport Direct… sẽ mở cửa hàng tại Việt Nam trong năm nay.

Gia tăng tỷ lệ lấp đầy

Không chỉ vậy, các nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước đang hoạt động như MM Mega Market, AEON Mall, Central Retail, SaigonCo.op, Winmart, Thế giới Di động… cũng đang lên kế hoạch mở rộng thị trường, tăng quy mô cửa hàng so với thời điểm cuối năm 2021.

Tham vọng của các doanh nghiệp bán lẻ cả trong và ngoài nước đang thổi hơi nóng vào thị trường mặt bằng cho thuê tại Việt Nam. Các kết quả thống kê đều cho thấy kể từ đầu năm, nhu cầu thuê đã gia tăng trở lại với kế hoạch mở rộng ấn tượng của các doanh nghiệp.

Cụ thể, công suất cho thuê trung bình trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang ở mức cao, lên đến hơn 90%. Giá trung bình chào thuê đồng thời tăng 3% theo quý và theo năm, đạt 1,2 triệu đồng/m2/tháng (trong quý I/2022). Riêng với các dự án khu trung tâm, con số này gần chạm mốc 3 triệu đồng/m2/tháng.

Đơn cử, các mặt bằng dọc đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đã được lấp đầy 100%. Các tuyến đường trung tâm khác tại TP. Hồ Chí Minh như Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu (quận 1) hay Nguyễn Trãi (từ quận 1 đến quận 5)... cũng dần hồi phục, sôi động trở lại.

Ở Hà Nội, mặt bằng bán lẻ tại các con phố lớn như Kim Mã, Liễu Giai (quận Ba Đình), Cầu Giấy, Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), Hồ Tùng Mậu (từ quận Cầu Giấy sang Bắc Từ Liêm),… cũng gần như không còn chỗ trống. Tình trạng dừng kinh doanh, sang nhượng cửa hàng giảm rõ rệt.

Điều chú ý, hầu hết các trung tâm thương mại, khối đế bán lẻ, mặt bằng cho thuê đã dừng chính sách ưu đãi được áp dụng trong thời gian dịch bệnh. Các chủ đầu tư cũng nâng thời gian thuê tối thiểu và áp dụng chính sách tăng giá hàng năm lên đến 10%.

Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận Cho thuê mặt bằng bán lẻ của Savills Việt Nam, cho hay lý do khiến thị trường mặt bằng nóng trở lại là vì sức tiêu dùng nội địa ngày càng tăng đang củng cố niềm tin cho các nhà bán lẻ để họ mở rộng chuỗi cửa hàng.

Tương tự, theo Colliers Việt Nam, các chuỗi bán lẻ đang mở rộng mạnh mẽ. Các vị trí đẹp trên những cung đường lớn thuộc khu vực trung tâm Hà Nội và kinh doanh, sang nhượng cửa hàng luôn được các nhãn hàng săn đón và sẵn sàng trả chi phí đầu tư hợp lý để sở hữu, nhằm đón đầu nhu cầu mua sắm tăng trưởng sau dịch.

Nên “chốt” sớm nếu "được giá"

Trong nỗ lực bứt phá sau đại dịch, Công ty CP Phúc Sinh đang có sự đầu tư rất mạnh mẽ khi khai trương 2 showroom liên tiếp mang thương hiệu K Coffee ở quận Phú Nhuận và quận 1 (TP.HCM), chỉ trong tháng 6/2022. Mục tiêu của doanh nghiệp này là có hàng trăm điểm bán khắp cả nước trong 5 năm tới.

Cũng trong tháng 6, Thế giới Di động công bố hoàn tất cột mốc 50 cửa hàng AVAKids chỉ sau 5 tháng ra mắt mô hình mới. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc, cho biết công ty đặt kế hoạch tăng số lượng điểm bán lên hơn 200 đến cuối năm.

Đến nay, doanh số bình quân mỗi cửa hàng AVAKids của "đại gia" ngành điện máy đã đạt mức 1,8-2 tỷ đồng/tháng. Kinh doanh thuận lợi, AVAKids đặt mục tiêu doanh thu nghìn tỷ đồng trong năm 2022, đồng thời tham vọng trở thành "tay chơi" số một với hàng nghìn cửa hàng trong năm 2023.

Với sự tăng nóng của thị trường, giới chuyên gia cho rằng các nhà bán lẻ có tham vọng cần nhanh chóng “chốt” thuê khi tìm được địa điểm thích hợp, bởi giá thuê trong thời gian tới dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng mạnh, trong khi nguồn cung nhiều khả năng sẽ không có nhiều biến động.

Cụ thể, về giá thuê, kết quả khảo sát cho thấy, giá cho thuê mặt bằng bán lẻ bình quân tại hai điểm cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang tăng mạnh nhưng vẫn chưa đạt mức trước dịch, vì vậy sẽ còn tăng.

Tại Hà Nội, giá thuê trung bình tại tầng trệt và tầng 1 khu vực ngoài trung tâm khoảng 550.000 đồng/m2/tháng, khu vực trung tâm đạt 2,5 triệu đồng/m2/tháng. Tại TP. Hồ Chí Minh, giá thuê trung bình cho tầng trệt và tầng 1 ngoài trung tâm đang ở mức 850.000 đồng/m2/tháng, khu vực trung tâm khoảng 3,1 triệu đồng/m2/tháng.

Về nguồn cung, trong năm 2022, địa bàn Hà Nội sẽ có 11 dự án gia nhập thị trường (4 dự án đã hoàn thành), với tổng số hơn 151.000 m2 sàn, nhưng chỉ có 1 dự án tại khu vực trung tâm. Còn ở TP.HCM, dự báo sẽ có 100.000 m2 sàn cho thuê mới, tuy nhiên 74% trong số này đến từ các dự án ngoài trung tâm, theo Savills.

Trong tương lai, nguồn cung bán lẻ tại Hà Nội sẽ có các dự án đáng chú ý như Vincom Mega Mall Smart City, Hinode City và Mipec Xuân Thủy. Trong khi tại TP. Hồ Chí Minh, Thaco sẽ phát triển 2 dự án Emart ở Gò Vấp và TP Thủ Đức, trong khi Aeon dự định mở thêm trung tâm thương mại tại Hóc Môn.

Những diễn biến trên thị trường cho thấy, đây thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp mở rộng hoặc thuê mới mặt bằng. Ngay cả khi người tiêu dùng đã quen với mua sắm online, các cửa hàng bán lẻ vẫn là yếu tố chính trong chiến lược kết nối, chinh phục người tiêu dùng, tăng nhận diện thương hiệu và góp phần tăng doanh thu của các nhà bán lẻ.


Tác giả: Theo Hưng Nguyên/vnbusiness.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết