A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 5/7: Xuất khẩu 6 tháng cuối năm còn nhiều thách thức

xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng tới 2 con số nhưng giới chuyên gia cho rằng, từ nay tới cuối năm, tình hình kinh tế còn nhiều yếu tố bất định.

Báo Đấu Thầu có bài “Thách thức xuất khẩu 6 tháng cuối năm”. Theo bài báo, xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng trưởng 2 con số, đưa cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu. Điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt nhịp với đà phục hồi toàn cầu. Song từ nay tới cuối năm, tình hình kinh tế còn nhiều yếu tố bất định nên không quá lạc quan.

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 5/7: Xuất khẩu 6 tháng cuối năm còn nhiều thách thức

Xuất khẩu 6 tháng cuối năm còn nhiều thách thức

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước. Quý II ước đạt 96,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và tăng 8,7% so với quý I/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng về vấn đề này, Cafef dẫn tin “Xuất khẩu ngành hàng tiêu dùng đối mặt nhiều thách thức”; VTV có bài “Thách thức xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm”. Chia sẻ của doanh nghiệp cho thấy, việc xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm đối mặt với không ít thách thức. Chất lượng phải đồng đều, giá cả hợp lý, nguồn cung ổn định... là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Điều này càng khó khăn hơn trong bối cảnh 2 năm trở lại đây, giá vật tư đầu vào của ngành lúa gạo liên tục tăng cao, lợi nhuận của doanh nghiệp gạo cũng bị ảnh hưởng.

Bài báo dẫn ý kiến của ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An: "Ví dụ như phân bón, xăng dầu có thời điểm tăng lên tới 40% làm đội giá thành giá lúa tăng lên, nhưng giá gạo xuất khẩu không tăng hoặc tăng rất ít. Doanh nghiệp phải hỗ trợ đồng hành cùng người nông dân, nên lợi nhuận bị bào mòn".

Cùng nỗi lo về vấn đề xuất khẩu, báo chí đồng loạt đưa tin về việc cửa khẩu Kim Thành II tạm dừng xuất nhập khẩu: VTV đưa tin “Tạm dừng hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế số II Kim Thành (Lào Cai)”; Vneconomy có bài “Trung Quốc lại “khóa” toàn bộ cửa khẩu số II Kim Thành, Lào Cai”.

Việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát hàng hóa, phương tiện… nhằm phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu biên giới khiến kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc những tháng đầu năm sụt giảm mạnh.

Song điều đáng lo ngại, phía Trung Quốc tạm dừng toàn bộ hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành và chưa ấn định thời gian mở cửa trở lại. Do vậy, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai khuyến cáo doanh nghiệp tạm dừng đưa nông sản lên cửa khẩu khi chưa biết cụ thể thời gian phía Trung Quốc nhận hàng trở lại.

Trước thực tế trên, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác quy hoạch cửa khẩu, xây dựng văn bản pháp luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các địa phương biên giới phía Bắc, trao đổi, đàm phán với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phía Trung Quốc để triển khai giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu; nâng cao hiệu suất làm việc của lực lượng chức năng cả 2 nước tại các cửa khẩu, như hải quan, kiểm dịch, doanh nghiệp dịch vụ vận tải, bốc xếp hàng hóa… nhằm tạo thuận hơn cho hoạt động thông quan và xuất khẩu hàng hoá.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết