A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Tổng thống Pháp công du châu Phi: Chuyến đi tìm lại vai trò

Ngày 25-7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến công du đến 3 nước châu Phi gồm Cameroon, Benin và Guinea-Bissau.

Đây là chuyến công du đầu tiên tới châu Phi trong nhiệm kỳ mới khi ông Macron đang tìm cách khởi động lại mối quan hệ thời hậu thuộc địa của Pháp với lục địa này.

Chuyến đi kéo dài từ ngày 25 đến 28-7 thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Dường như sau khi những nỗ lực nhằm hòa giải cuộc xung đột Nga-Ukraine trong nhiệm kỳ Chủ tịch Liên minh châu Âu hồi nửa đầu năm nay không đem lại kết quả, Tổng thống Macron đã chuyển hướng chính sách đối ngoại. “Ông Macron đang bước vào nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của mình. Giờ đây, ông ấy không cần tập trung vào việc giành được phiếu bầu ở sân nhà nên có thể tập trung vào việc điều chỉnh lại vai trò của Pháp ở châu Phi”, nhà báo Rebecca Tinsley của tờ báo Đức DW bình luận.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Cameroon Paul Biya. Ảnh: AFP 

Còn tờ Le Monde của Pháp thì nhận định chuyến công du của ông Macron đã “thể hiện cam kết của tổng thống trong quá trình đổi mới mối quan hệ với lục địa châu Phi”, cho thấy châu Phi là một “ưu tiên chính trị”. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Pháp đang chứng kiến sự suy giảm tầm ảnh hưởng của mình đối với các nước thuộc địa cũ tại châu Phi. Chuyến thăm cũng sát với thời điểm Pháp và đồng minh chuẩn bị rút toàn bộ quân khỏi Mali sau 9 năm tham chiến, trong bối cảnh đổ vỡ quan hệ giữa Pháp và chính quyền quân sự tại Bamako.

Trong ngày 26-7, Tổng thống Pháp đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Cameroon Paul Biya, với nội dung thảo luận trọng tâm là hợp tác về nông nghiệp, cuộc chiến chống khủng bố, quản trị và pháp quyền. Đầu tư của các công ty Pháp cũng nằm trong chương trình nghị sự, bởi lẽ châu Phi đang dần trở thành trung tâm cạnh tranh kinh tế và địa chiến lược giữa các cường quốc thế giới. “Paris muốn bảo đảm có được sự ủng hộ của Cameroon trong bối cảnh ảnh hưởng của Pháp ở châu Phi suy giảm đáng kể, thể hiện qua tình trạng quan hệ của nước này với Mali, Cộng hòa Trung Phi, Guinea và Burkina Faso”, Giáo sư Nicanor Tatchim của Đại học Paris-Est Créteil nhận định. Quan hệ đối tác của Paris với Yaoundé là “cần thiết” vì Cameroon đóng vai trò là nhà cung cấp hàng hóa chủ chốt cho khu vực xung quanh-đáng kể nhất là Chad, nơi Pháp có căn cứ quân sự. “Cameroon sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2025... sự xuất hiện của ông Macron là mong muốn chuẩn bị cho thời kỳ hậu Biya”, theo đánh giá của Giáo sư Tatchim.

Tuy nhiên, Nghị sĩ đối lập Cameroon Jean-Michel Nintcheu tuyên bố người dân Cameroon sẽ “không chấp nhận” việc “áp đặt” bất kỳ nhà lãnh đạo mới nào mà không qua “bầu cử tự do và dân chủ”. Để hóa giải những nghi ngại đó, ông Franck Paris-cố vấn về châu Phi của Tổng thống Pháp-nhấn mạnh: “Pháp không tổ chức chuyển giao quyền lực ở Cameroon hay bất kỳ quốc gia nào khác... Thay vào đó, vai trò của chúng tôi là duy trì mối quan hệ chặt chẽ với những người muốn đối thoại”.

Theo lịch trình, ngày 27-7 ông Macron sẽ tới Benin. Miền Bắc nước này đã phải đối mặt với các cuộc bạo loạn khiến nhiều người thiệt mạng, với mối đe dọa từ các chiến binh thánh chiến đang lan rộng từ Sahel đến các quốc gia Vịnh Guinea. Tổng thống Pháp được công chúng Benin hoan nghênh khi quyết định hoàn trả 26 báu vật lịch sử mà năm 1892 thực dân Pháp đã đánh cắp từ Abomey, cố đô của Vương quốc Dahomey cũ nằm ở phía Nam Benin ngày nay. “Việc trao trả cho Benin những báu vật lịch sử tạo nền tảng cho việc xây dựng mối quan hệ giữa hai tổng thống, nhưng yếu tố quyết định của chuyến đi này là tình hình an ninh trong khu vực”, theo nhà nghiên cứu Expédit Ologou của Học viện Dân sự vì Tương lai châu Phi (CiAAF). Trong lịch sử, Cameroon và Benin là hai quốc gia châu Phi nói tiếng Pháp có vị trí đặc biệt trong quan hệ Pháp-Phi.

Chặng dừng chân cuối cùng của ông Macron là Guinea-Bissau. Đây sẽ là cơ hội để nhấn mạnh ý định của Paris trong việc ủng hộ chính sách hướng tới châu Phi. Tổng thống Umaro Sissoco Embalo của Guinea-Bissau vừa tiếp nhận chức Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) hồi đầu tháng 7. Dường như chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Macron tới quốc gia nhỏ bé nói tiếng Bồ Đào Nha này là một cách khẳng định chính sách châu Phi của Pháp hướng tới toàn bộ lục địa này, chứ không chỉ dành riêng cho các nước thuộc địa cũ.

HÀ PHƯƠNG


Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết