Lao động công nghệ nhập cư tại Mỹ bơ vơ vì mất việc
Ngành công nghệ sa thải hàng loạt tại Mỹ đang tạo nên cuộc khủng hoảng trong giới lao động nhập cư.
Theo hãng tin Bloomberg, hàng trăm lao động công nghệ nhập cư tại Mỹ có khả năng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng sa thải mới trong làng công nghệ, dẫn đến việc bị đuổi về nước. Rất nhiều nhân viên cho biết họ không nhận được sự giúp đỡ cần thiết từ các công ty đã đuổi việc mình và không kịp kiếm công việc mới để có thể giữ visa.
Như chúng ta đã biết, nhiều lao động công nghệ nước ngoài làm việc tại Mỹ dưới dạng visa H-1B, ví dụ như các kỹ sư hoặc chuyên gia công nghệ thông tin. Trong vòng 3 năm qua, các thương hiệu lớn như Amazon, Lyft, Meta (Facebook), Salesforce, Stripe và Twitter đã tuyển dụng ít nhất 45.000 lao động dưới dạng visa H-1B.
Như vậy đợt sa thải gần đây của Meta và Twitter sẽ ảnh hưởng ít nhất 350 lao động tay nghề cao nước ngoài đang sống tại Mỹ dưới dạng visa H-1B. Xin được nhắc lại là những nhân viên này sẽ phải về nước trong vòng 60 ngày kể từ khi mất việc nếu không tìm được công việc mới.
Mòn mỏi
Hãng tin Bloomberg cho hay nhiều lao động đã sống và làm việc ở Mỹ nhiều năm trời, hiện đang chờ đợi để làm thủ tục nhập tịch thì nay lại phải vất vả kiếm việc mới. Cùng với đó là hàng nghìn lao động bị sa thải cũng gia nhập cuộc đua kiếm việc sau khi các tập đoàn công nghệ cắt giảm chi phí nhân sự.
Thậm chí, nhiều lao động nước ngoài còn có khoản vay thế chấp mua nhà, tiền nợ học phí hay vô số những khoản chi tín dụng khác.
Với áp lực phải ở lại nước ngoài hay thanh toán các khoản nợ này mà vô số lao động tay nghề cao đang tìm mọi cách kiếm việc, từ nhờ cậy mối quan hệ cho đến gửi vô số hồ sơ đến các công ty.
Một cựu chuyên gia thiết kế của twitter xin được giấu tên nói với Bloomberg rằng cô đã làm việc tại Mỹ được 14 năm và cũng từng nghĩ đến việc bị đuổi khỏi thị trường này do mất việc.
“Tôi khá phân vân. Liệu tôi có nên tiếp tục kiếm việc để cố ở lại không hay nên thực sự về nước”, vị thiết kế viên 30 tuổi này nói với Bloomberg.
Chương trình visa H-1B của Mỹ thường được dùng để tuyển dụng những lao động công nghệ trình độ cao nước ngoài nhằm bù đắp sự thiếu hụt trên thị trường. Hạn mức của visa là 3 năm và có thể gia hạn liên tục. Bình quân mỗi năm Mỹ có khoảng 85.000 lao động kiểu này gia hạn visa và nhu cầu là khá cao do sự bùng nổ của các hãng công nghệ. Phần lớn các lao động này là người Ấn Độ do có trình độ kỹ thuật cũng như tiếng Anh tốt.
Số liệu của Bộ lao động Mỹ (USDL) cho thấy mức lương bình quân của các lao động H-1B trong quý III/2022 là vào khoảng 106.000 USD/năm. Thế nhưng những lao động ở các tập đoàn lớn như Meta, Twitter hay Slaesforce có thể kiếm đến 175.000 USD/năm, chưa kể tiền thưởng và cổ phiếu thưởng.
Theo Bloomberg, những lao động Ấn Độ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi phần lớn có mục đích định cư lại tại Mỹ. Do nền kinh tế này chỉ cấp phép định cư cho tối đa 7% lao động mỗi nước mỗi năm nên dù có đến 500.000 người Ấn Độ nộp đơn chờ nhưng chỉ có khoảng 10.000 thẻ xanh (thẻ thường trú Mỹ) được phát thường niên.
Một báo cáo của nghị viện Mỹ cho thấy nếu một lao động Ấn Độ làm hồ sơ đăng ký xin định cư vào năm 2020 thì anh/cô ấy sẽ phải đợi đến 195 năm mới nhận được thẻ xanh. Nếu là lao động Trung Quốc thì cần 18 năm còn các công dân nước khác thì cần chưa đến 1 năm.
Trả lời hãng tin Bloomberg, một cựu nhân viên Ấn Độ của Meta cho biết mình đã mua nhà tại Seattle vào đầu năm nay, thế nhưng chỉ 11 tháng sau đó anh bị mất việc và đang phải vội vàng kiếm công việc mới. Người cha của 2 đứa trẻ này với bằng thạc sĩ đã sống ở Mỹ được 15 năm nhưng đang phải gửi hồ sơ đi khắp nơi nhằm cố gắng duy trì giấc mơ định cư của mình.
“Thật khó để thừa nhận rằng sau 15 năm cố gắng thì bạn vẫn có thể phải ra đi. Giấc mơ định cư tại Mỹ đang dần tan biến”, người đàn ông xin giấu tên này ngậm ngùi.
Ít trợ giúp
Theo Bloomberg, những lao động nước ngoài đến Mỹ với giấc mơ đổi đời giờ đây đang khá hoang mang khi các hãng công nghệ đuổi việc mà chẳng có nhiều hỗ trợ. Theo quy định, các doanh nghiệp phải trả tiền cho lao động H-1B để họ trở về nước nếu không kiếm được việc khác.
Tuy nhiên nhiều cựu nhân viên của Twitter cho hay công ty này không hỗ trợ nhiều và không rõ bao giờ thì kỳ hạn 60 ngày chấm dứt. Phần lớn các doanh nghiệp đều đề nghị lao động tự kiếm luật sư vì chính phủ có thể can thiệp theo nhiều cách khác nhau.
Tập đoàn Meta của Mark Zuckerberg đã sa thải đến 11.000 lao động trong tháng 11/2022 và nhiều nhân viên cho biết sự trợ giúp từ tập đoàn là có hạn khi vẫn phải thuê luật sư riêng. Hãng Stripe thì cho biết sẽ hỗ trợ thay đổi visa bất cứ khi nào cần để trợ giúp 1.000 lao động bị sa thải.
Thương hiệu Lyft thì cho biết sẵn sàng thanh toán lương cho nhân viên thêm vài tuần mà không phải đi làm để họ có thể thu xếp được công việc mới. Amazon thì thông báo sẽ có 60 ngày để nhân viên kiếm việc khác trước khi chính thức bị sa thải.
“Áp lực kiếm việc bây giờ là rất lớn, mọi thứ cứ như quả bom hẹn giờ với lao động nước ngoài vậy”, luật sư Fiona McEntee chuyên về lao động nhập cư của hãng McEntee Law Group nhận định.