A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Chương trình phát triển tàu khu trục mới của Hàn Quốc

Hàn Quốc đã công bố kế hoạch chế tạo các tàu khu trục thế hệ tiếp theo, đánh dấu bước chuyển sang giai đoạn mới nhất của quá trình xây dựng lực lượng hải quân quy mô lớn.

Theo Naval News, Tập đoàn HD Hyundai Heavy Industries (HD HHI) của Hàn Quốc đã hoàn thành thiết kế cơ bản cho tàu khu trục thế hệ tiếp theo KDDX của Hàn Quốc. Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong công nghệ sản xuất tàu hải quân của nước này. KDDX là tàu khu trục đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ trong nước, bao gồm các hệ thống cảnh báo và tác chiến nội địa. Khả năng của tàu khu trục này được cho là ngang hàng với tàu khu trục tiên tiến nhất của hải quân Hàn Quốc “Jeong-jo Đại đế” (KDX-III Batch-II), đang trong quá trình thử nghiệm và dự kiến sẽ được bàn giao vào cuối năm nay.

Khi giới thiệu thiết kế mô phỏng của KDDX tại Triển lãm Công nghiệp quốc phòng hàng hải quốc tế (MADEX) 2023 ở thành phố Busan hồi tháng 6-2023, Tập đoàn HD HHI đã nhấn mạnh đến những tiến bộ trong tích hợp hệ thống và công nghệ mới ở tàu khu trục này. KDDX được trang bị cột buồm tích hợp Hanwha Systems (I-MAST) với radar đa chức năng băng tần kép nhằm mục đích giảm tiết diện radar và tiếng ồn dưới nước, qua đó tăng khả năng che giấu hoạt động trước radar và tàu ngầm của đối phương.

KDDX sẽ được trang bị pháo chính Mk 45 5 inch, 2 hệ thống vũ khí tầm gần CIWS-II, 8 tên lửa chống hạm, hệ thống phóng KVLS-I và KVLS-II phù hợp với phiên bản hải quân mới của tên lửa L-SAM và hệ thống sonar tích hợp trong hoạt động tác chiến chống tàu ngầm. Thiết kế cơ bản của tàu được phát triển theo hướng hạn chế vận hành thủ công. Do đó, tàu khu trục KDDX sở hữu hệ thống xử lý đạn tự động và hệ thống hỗ trợ điều hướng dựa trên công nghệ điều hướng tự động.

Mô hình tàu khu trục KDDX tại MADEX 2023. Ảnh: Asia Times 

Chương trình phát triển tàu khu trục KDDX xuất phát từ nhu cầu duy trì năng lực tương tự các tàu khu trục Aegis của Hàn Quốc nhưng với chi phí vận hành thấp hơn. KDDX có thể hoạt động cùng với các tàu chiến khác của Hàn Quốc để thực hiện nhiệm vụ phòng thủ tên lửa trên biển và chống tàu ngầm. Tổng chi phí của chương trình phát triển tàu khu trục mới KDDX là 5,8 tỷ USD. Theo kế hoạch, hải quân Hàn Quốc mua 6 con tàu này vào năm 2036.

KDDX là bước tiếp theo trong chương trình tàu khu trục của Hàn Quốc vốn đang chứng kiến sự nội địa hóa ngày càng tăng và tập trung vào phòng thủ tên lửa. Hải quân Hàn Quốc đang nghiêm túc xem xét việc triển khai hệ thống tác chiến 3 trục trên biển, bao gồm năng lực tiêu diệt, phòng thủ tên lửa và trả đũa hàng loạt.

Tờ Asia Times nhận định, những thay đổi trong quan điểm chiến lược của Triều Tiên đối với Hàn Quốc có thể đã tạo động lực mới cho việc xây dựng quân đội của Seoul, đặc biệt là trong phòng thủ tên lửa trên biển. Hải quân Hàn Quốc đã lựa chọn nhà thầu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME) để phát triển tàu hỏa lực chung (JFS) với kế hoạch tiếp nhận 3 tàu vào cuối thập niên 2020. Mỗi tàu có thể mang theo 80 tên lửa. Cùng với tên lửa đất đối đất Hyunmoo và tên lửa không đối đất Taurus, JFS sẽ tạo thành một hệ thống mạnh mẽ chống lại các mối đe dọa tên lửa .

Theo các nhà phân tích, chương trình phát triển tàu khu trục KDDX cũng gắn liền với tham vọng của Hàn Quốc về việc tăng cường năng lực của hải quân nhằm củng cố an ninh khu vực.

Trong một bài viết đăng trên tờ The Strategist, Giáo sư nghiên cứu chiến lược Benjamin Schreer tại Đại học Macquarie ở Sydney (Australia) chỉ ra rằng, tham vọng này của Hàn Quốc được thúc đẩy bởi mong muốn duy trì sức mạnh vượt trội trước lực lượng hải quân của Triều Tiên, cũng như mong muốn trở thành một bên tham gia quan trọng hơn trong các vấn đề an ninh hàng hải ở châu Á.

Về phần mình, ông Alexander Hynd, nhà nghiên cứu và phân tích về chiến lược chính sách đối ngoại của các quốc gia cỡ trung bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho rằng, nỗ lực tăng cường năng lực cho lực lượng hải quân của Hàn Quốc một phần được thúc đẩy bởi mong muốn duy trì quyền tự chủ chiến lược.

LÂM ANH


Tags: Hàn Quốc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết