A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

“Bóng ma” khủng bố rình rập Afghanistan

Việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đứng ra nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết gần Đại sứ quán Nga ở thủ đô Kabul của Afghanistan một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về “bóng ma” khủng bố vẫn luôn rình rập quốc gia Tây Nam Á.

Tờ The Japan Times ngày 6-9 đưa tin, trong một tuyên bố trên mạng xã hội Telegram, IS cho biết một chiến binh của nhóm này đã thực hiện vụ tấn công. Theo RT, IS khẳng định vụ tấn công do một chiến binh nước ngoài tiến hành. Một số báo cáo cho biết vụ đánh bom có liên quan đến IS-K - một nhánh của IS tại Afghanistan.

Theo The Japan Times, vụ đánh bom liều chết hôm 5-9 khiến 6 người, gồm 2 nhân viên Đại sứ quán Nga và 4 công dân Afghanistan đang chờ để làm thủ tục lãnh sự, thiệt mạng cùng một số người khác bị thương. Trong khi đó, RT cho rằng vụ đánh bom khiến 25 người thiệt mạng.

 Những người bị thương sau vụ đánh bom ngày 5-9 được điều trị tại bệnh viện ở thủ đô Kabul. Ảnh: Reuters

Đây là vụ tấn công đầu tiên nhằm vào phái đoàn ngoại giao tại Afghanistan sau khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát quốc gia Tây Nam Á hồi tháng 8 năm ngoái. Phát biểu với báo giới, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ đây là một hành động khủng bố và không thể chấp nhận được. Moscow cực lực lên án những hành động khủng bố như vậy.

An ninh đã được tăng cường tại Đại sứ quán Nga ở thủ đô Kabul. Bộ Ngoại giao Afghanistan cho biết công tác điều tra đang được tiến hành khẩn trương và khẳng định “sẽ không cho phép kẻ thù phá hoại quan hệ giữa hai nước bằng những hành động tiêu cực như vậy”. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công trong khi Phái bộ LHQ tại Afghanistan (UNAMA) kêu gọi Afghanistan cần có những biện pháp bảo đảm an ninh cho người dân cũng như các phái đoàn ngoại giao. Đại diện đặc biệt của Mỹ về Afghanistan Thomas West lên án hành vi khủng bố và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân.  

Thời gian qua, Afghanistan không ít lần bị rung chuyển bởi các vụ đánh bom mà phần lớn trong số này do IS-K thực hiện. Một báo cáo hồi năm ngoái của LHQ đã chỉ ra rằng, có một làn sóng gia tăng các phần tử khủng bố nước ngoài kéo tới Afghanistan từ khắp nơi trên thế giới để gia nhập IS-K trong bối cảnh IS xem quốc gia này là “căn cứ để mở rộng tầm ảnh hưởng” tới khu vực Trung Á và Nam Á.

Với khoảng 1.500 đến 2.200 tay súng, theo BBC, IS-K là tập hợp các cựu thành viên của Taliban đã đổi phe, cùng các phần tử thánh chiến xuyên quốc gia. Tổng thống Joe Biden nhiều lần khẳng định việc rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan hồi tháng 8-2021 là vì đã đạt được những mục tiêu đề ra ban đầu, trong đó có việc ngăn chặn được các cuộc tấn công tương tự thảm kịch 11-9-2001 nhằm vào nước Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng từng tuyên bố tại Afghanistan hiện không còn mối đe dọa khủng bố. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định và thực tế đã cho thấy các nhóm khủng bố như IS vẫn luôn tìm cách tận dụng khoảng trống an ninh khi Mỹ rút quân và Taliban nỗ lực củng cố quyền lực.

“Mặc dù IS có thể không bao giờ lặp lại được việc xây dựng được một thực thể trải dài từ Iraq sang Syria như trước, gây ra những tội ác chống lại loài người kinh hoàng và không thể nào quên, thế nhưng các quốc gia không được ngoảnh mặt làm ngơ khi IS đang mưu toan tái hợp lực lượng. Việc không để mắt tới IS có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc”, trang mạng Arab News bình luận.

HOÀNG VŨ

 


Tags: khủng bố
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết