A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Kho bạc Nhà nước chuyển đổi số toàn diện, thực chất trong giải quyết thủ tục hành chính

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số của Chính phủ, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, thực chất trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và thu được kết quả rất đáng khích lệ.

KBNN đã đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, thực chất trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Thùy Linh.

KBNN đã đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, thực chất trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Thùy Linh.

Đi đầu trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến

KBNN đã chủ động triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả qua Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ngay từ năm 2018. KBNN là một trong những đơn vị đầu tiên trong ngành Tài chính hoàn thành việc thực hiện DVCTT toàn trình đối với tất cả các TTHC thuộc lĩnh vực KBNN.

Đến nay, 100% các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia DVCTT KBNN; số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh hàng tháng qua DVCTT đạt trên 99%; trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 chứng từ chi ngân sách nhà nước qua DVCTT của KBNN.

Cùng với đó, KBNN đã thực hiện cung cấp 11/11 TTHC thuộc lĩnh vực KBNN lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc sử dụng Hệ thống DVCTT của KBNN góp phần rút ngắn thời gian giải ngân, tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách trong quá trình nộp hồ sơ thanh toán, công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết hồ sơ TTHC và từng bước hướng tới kiểm soát chi điện tử.

Bên cạnh đó, KBNN đã nghiên cứu, phát triển nhiều tiện ích mới phục vụ người sử dụng như: Cung cấp tính năng tra cứu số dư tài khoản và trạng thái hồ sơ kiểm soát chi qua ứng dụng trên thiết bị di động; xây dựng và triển khai cổng dữ liệu nhận lệnh hoàn phí, lệ phí, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia; thí điểm công nghệ ký số từ xa (Remote-signing) trên DVCTT tại các đơn vị sử dụng ngân sách; thí điểm cổng trao đổi dữ liệu với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông để chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng dịch vụ thông qua văn bản ủy quyền điện tử của đơn vị cho KBNN nơi giao dịch.

Song song với đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa TTHC và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), KBNN luôn chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình TTHC của công chức KBNN. Trong thời gian qua, KBNN đã ban hành 2 Quy chế về kiểm soát, phòng ngừa rủi ro trong công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước, kế toán và thanh toán tại hệ thống KBNN và nhiều quy trình giám sát từ xa hoạt động nghiệp vụ KBNN. Đây vừa là văn bản có tính quy định bắt buộc và vừa là cẩm nang để các đơn vị KBNN có các hành động phòng ngừa rủi ro, tăng cường giám sát nội bộ nhằm nâng cao năng suất lao động của công chức KBNN và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch. Để tăng hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, KBNN đã chỉ đạo các đơn vị KBNN cần gắn kết quả kiểm tra, giám sát với trách nhiệm của người đứng đầu KBNN các cấp, với công tác đánh giá, xếp loại công chức, công tác thi đua, khen thưởng hàng năm.

Bên cạnh đó, KBNN đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần và thái độ phục vụ khách hàng giao dịch, không để tình trạng chậm muộn, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết TTHC như: tăng cường trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết TTHC của công chức KBNN; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức về văn hóa công sở và kỹ năng giao tiếp; thực hiện luân phiên, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức  đảm bảo theo đúng quy định; xử lý nghiêm, điều chuyển ngay các công chức bị khách hàng phản ánh thái độ phục vụ kém.

Tăng cường ứng dụng CNTT

Để thực hiện các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021; Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp và Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong thời gian tới, hệ thống KBNN cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể.

Theo đó, KBNN sẽ nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ quy định TTHC thuộc lĩnh vực KBNN theo hướng rà soát kỹ, tái cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các bộ, ban, ngành và liên thông hệ thống CNTT giữa KBNN với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

KBNN cũng sẽ tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản lý nội bộ theo Kiến trúc tổng thể hệ thống CNTT của KBNN.

Một nhiệm vụ quan trọng khác của hệ thống KBNN đó là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công. Đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công của KBNN.

Thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC nội bộ và các quy trình nội bộ nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị KBNN.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết