A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Giải ngân thực chất, hiệu quả

Từ nay đến hết năm 2023 phải tập trung cao độ “chạy đua nước rút” giải ngân vốn đầu tư công. Nhiệm vụ quan trọng này được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Thành phố (TP) Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong các cuộc họp gần đây. Hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công là mệnh lệnh của lãnh đạo TP đối với các tổ chức, cá nhân thuộc quyền.

Yêu cầu này xuất phát từ thực trạng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của TP Hồ Chí Minh đang chậm so với mục tiêu đề ra là phải hoàn thành 95% kế hoạch năm 2023. Theo tính toán của Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, để hoàn thành mục tiêu trên, trong hai tháng cuối năm 2023, mỗi tháng TP phải thực hiện giải ngân đạt 25-30% kế hoạch năm. Điều này đặt ra áp lực lớn đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan.

Không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, áp lực giải ngân vốn đầu tư công đang là thách thức đối với nhiều địa phương. Nền kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản “đóng băng”, nhiều phân khúc trong nền kinh tế bị đình trệ, hàng loạt công trình, dự án gặp khó... là những yếu tố tác động trực tiếp đến giải ngân vốn đầu tư công. Tại TP Hồ Chí Minh, vốn đầu tư công chủ yếu tập trung cho các dự án, công trình trọng điểm. Khi phân khúc này gặp khó gây nên vướng mắc kiểu “dây chuyền”, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm tiến độ.

Ảnh minh họa: Chinhphu.vn 

Vốn đầu tư công không giải ngân được hoặc giải ngân chậm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đối với chuỗi vận hành sản xuất kinh doanh và “sức khỏe” của cả nền kinh tế. Với tinh thần “gỡ rối và kiến tạo”, việc vận hành các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội đang tạo ra những động lực mới đối với TP đầu tàu. Trong đó, việc trao quyền tự chủ, tự quyết mạnh theo phân cấp giúp các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp năng động, tự chủ trong triển khai các hình thức, giải pháp giải ngân vốn đầu tư công.

Vấn đề đặt ra là, mục đích cao nhất của giải ngân là để thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện các dự án, công trình trọng điểm. Vì vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải gắn liền với tiến độ, hiệu quả triển khai các dự án, công trình. Trong bối cảnh sức ép, áp lực phải chịu trách nhiệm về giải ngân vốn đầu tư công, rất dễ xảy ra tình trạng làm mọi cách để “tiêu cho hết tiền” ở một bộ phận tổ chức, cá nhân. Tình trạng cứ cuối năm lại thấy đào đường, sửa chữa trụ sở (dù công trình chất lượng vẫn tốt), tổ chức sự kiện tràn lan... diễn ra ở một số nơi, phần nào phản ánh những bất cập này. Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đang diễn ra ở Hà Nội, một số đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến: Việc sử dụng tài sản công trong thời gian vừa qua cho thấy nhiều bất cập, nhiều lỗ hổng pháp lý...

Nếu ở đâu đó, cán bộ tìm mọi cách, bằng mọi giá giải ngân cho bằng được, sẽ gây lãng phí tiền của Nhà nước, bất bình dư luận. Chính vì vậy, mục tiêu và yêu cầu cao nhất là giải ngân phải thực chất và hiệu quả. Để thực hiện yêu cầu này, phải mài sắc “vũ khí” kiểm tra, giám sát, thẩm định, xử lý sai phạm... Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã thành lập các tổ, nhóm công tác đặc biệt, do các lãnh đạo chủ chốt của Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp phụ trách, đi sâu, bám sát cơ sở để đốc thúc, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát... việc giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ, chất lượng các dự án, công trình trọng điểm. Đây là một cách làm hay. Các cơ quan, đơn vị, địa phương có thể tham khảo, vận dụng phù hợp để vốn đầu tư công được giải ngân thực chất và hiệu quả.


Tags: giải ngân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết