Siết chặt “vòng kim cô” với hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng
Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm được coi là “vòng kim cô” với hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).
Cách nào để phân biệt “tự nguyện” hay “ép buộc”
Sau hàng loạt phản ánh của người dân cho biết bị ép mua kèm bảo hiểm nhân thọ khi đi vay ngân hàng như một “luật ngầm, tự hiểu”, Thông tư 67/2023/TT-BTC (Thông tư 67) hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm vừa được Bộ Tài chính ban hành nhằm cải thiện quy trình tư vấn bảo hiểm của đại lý cá nhân và tổ chức, được coi là “vòng kim cô” với hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance)
Ngay khi biết Bộ Tài chính ban hành Thông tư 67 có điều khoản cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay cho khách hàng, nhiều người dân không khỏi vui mừng. Chị Bùi Ngọc Tuyết (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, lúc trước đối với mỗi khoản vay dù có tài sản thế chấp đầy đủ, nhưng chị vẫn bị dồn vào thế phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân. Chỗ nào “nhẹ nhàng” thì đóng khoảng 20 triệu đồng, nơi nặng hơn thì cả trăm triệu tiền phí/năm. Khoản tiền nộp vào bảo hiểm nhân thọ được chị xem như “phí bôi trơn” khi vay, đóng năm đầu rồi xếp hợp đồng vào xó và bỏ.
“Người dân chúng tôi thiếu vốn mới phải đi vay và cũng trả lãi đầy đủ. Chúng tôi đổ mồ hôi, công sức mới kiếm được tiền nên khi bị ép mua bảo hiểm thì cảm thấy rất ức chế. Với quy định mới hy vọng từ nay người đi vay không bị ép mua bảo hiểm nữa”, chị Tuyết chia sẻ.
Bancassurance chiếm khoảng 50% số lượng hợp đồng, 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ |
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, đến nay, bancassurance chiếm khoảng 50% số lượng hợp đồng, 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ. Tỷ lệ này tăng gần gấp đôi so với cách đây hơn 3 năm.
Bộ Tài chính khẳng định, giao dịch bảo hiểm là giao dịch dân sự, phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng lợi ích các bên. Nhưng Bộ Tài chính cũng cho hay, do bị ép buộc nên sau năm đầu tiên, tỷ lệ huỷ hợp đồng của khách hàng lên tới 73%. Hàng nghìn tỷ đồng của 73% khách hàng bị mất trắng, công ty bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng bỏ túi số tiền “khủng”.
Nguyên nhân có nhiều và lý giải về tình trạng này cũng không ít; giải pháp, chủ trương được đề ra và văn bản nhắc nhở khá thường xuyên. Nhưng theo các chuyên gia, mô-típ chung về tình trạng này vẫn là một câu kết luận “vi phạm nguyên tắc tự nguyện”. Mà cốt lõi vẫn là thước đo nào để phân biệt rạch ròi tình trạng “tự nguyện” hay “ép buộc” khi hàng ngàn hợp đồng bancassurance đã được thực hiện theo dạng “tự nguyện theo kiểu ép buộc” thì chưa được bàn đến cặn kẽ.
Theo các chuyên gia,Thông tư mới quy định ngân hàng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp ký hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay cũng chưa phải là giải pháp tối ưu khi nhân viên tư vấn hoàn toàn có thể lách luật để chèo kéo khách hàng. Ông Trần Nguyên Đán - giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ Tài chính chỉ cấm bán một loại bảo hiểm liên kết đầu tư trong vòng trước và sau 60 ngày đối với khách vay. Trong khi bảo hiểm nhân thọ còn có 6 loại hình cơ bản khác (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí). Như vậy, rủi ro bị dồn vào thế buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ khi vay là vẫn còn.
Cùng với điều khoản cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay cho khách hàng, Bộ Tài chính cũng quy định đại lý bảo hiểm phải ghi âm một số nội dung trong quá trình tư vấn. Phía công ty bảo hiểm lưu trữ và bảo mật các tài liệu, dữ liệu ghi âm ít nhất 5 năm.
Bà Hồ Thị Ngọc Như - Trưởng ban hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ- Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM) - nhận định việc ghi âm mang lại nhiều tác dụng nhất định. Cụ thể, đại lý bảo hiểm sẽ khó nộp hợp đồng ảo vào các ngày cuối tháng để phục vụ việc chạy đua doanh số và danh hiệu, từ đó doanh nghiệp bảo hiểm hạn chế bị trục lợi chính sách.
Ngoài ra, cũng hạn chế tình trạng đại lý bảo hiểm giấu nhẹm, không tư vấn các khoản phí khách hàng phải mất đi khi tham gia hợp đồng bảo hiểm, không nói việc khách hàng có 21 ngày cân nhắc tiếp tục tham gia hay hủy hợp đồng... Ghi âm cũng giúp ngăn ngừa việc đại lý đánh tráo khái niệm, mập mờ trong quá trình tư vấn với khách hàng. Thời gian qua có nhiều người đã tư vấn bảo hiểm nhân thọ là “sổ tiết kiệm” hay hình thức mới “tiết kiệm - đầu tư”, cam kết lãi cao.
“Việc ghi âm không chỉ bảo vệ quyền lợi cho chính doanh nghiệp bảo hiểm, tránh bị trục lợi chính sách, giúp bảo vệ đại lý trước một số khách hàng không trung thực, mà quan trọng hơn nữa là giúp bảo vệ khách hàng trước nguy cơ bị tư vấn lập lờ. Khách hàng cũng hiểu được quyền và trách nhiệm của mình khi tham gia bảo hiểm, đưa ra quyết định trước khi ký. Đồng thời, đại lý buộc phải nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để tồn tại trong ngành”, bà Như cho hay.
Thay đổi để phát triển
Bancassurance không có lỗi, lỗi là ở người bán hàng. Vậy thì vấn đề là ở con người. Bằng mọi giải pháp, phải làm sao để người bán hàng thấm nhuần chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử. Khi ý thức được tính đặc thù của nghề ngân hàng - ngành luôn có nguy cơ cám dỗ bởi đồng tiền thì sự liêm chính, tuân thủ đạo đức kinh doanh càng cần được giáo dục và nhận thức rõ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, thời gian qua, các công ty bảo hiểm không có đào tạo bài bản cho nhân viên ngân hàng để bán bảo hiểm hộ cho họ. Còn về phía ngân hàng, cũng không để cán bộ nhận thức đầy đủ về việc bán bảo hiểm. Trong khi đó, khách hàng cũng không hiểu về sản phẩm mình mua một cách đầy đủ dẫn đến có những kỳ vọng không thực tế.
“Để có lợi ích và tăng doanh thu bền vững, lành mạnh, các công ty bảo hiểm cần đào tạo chi tiết hơn cho nhân viên ngân hàng. Khách hàng khi mua sản phẩm bảo hiểm trên cơ sở họ hiểu rõ về sản phẩm mình đang mua, họ sẽ có trách nhiệm hơn và ít đòi hỏi những điều ngoài quyền lợi của họ hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã ban hành quy tắc đạo đức. Tuy nhiên, bản chất của đạo đức không phải để nói mà để làm. Vì vậy, đại lý bảo hiểm cần ký tên xác nhận vào bản quy tắc đạo đức trên, nếu vi phạm sẽ bị áp dụng các mức phạt cụ thể. Về phía công ty bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng phải kiểm soát chặt chẽ, có mức phạt nặng đủ tính răn đe.
Đối với kênh bancassurance, cần có quy định pháp luật cụ thể, cho phép Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) được quyền kiểm tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm của ngân hàng, không có vùng cấm sẽ giúp ngành bảo hiểm phát triển lành mạnh hơn.
Trong năm 2021, doanh thu phí bancassurance chiếm khoảng 39% tổng doanh thu khai thác mới, đạt khoảng 19.300 tỷ đồng. Con số này là khá thấp so với Philippines (43%), Thái Lan (47%), Singapore (51%), Indonesia (57%) và Trung Quốc (68%). Ngăn chặn biến tướng bancassurance sẽ không phải là “quản không được thì cấm” hay tìm các giải pháp hạn chế, hoặc chỉ chăm chăm vào quyền lợi khách hàng.
Để mối lương duyên bảo hiểm - ngân hàng được bền chặt, phát triển hiệu quả theo hướng có lợi đúng nghĩa cho tất cả các bên, bản thân bancassurance cũng phải thay đổi để phát triển. Khi mà sản phẩm bảo hiểm được bán qua kênh bancassurance hiện nay vẫn còn đơn giản, là sản phẩm có sẵn của doanh nghiệp bảo hiểm, chứ chưa có những sản phẩm đặc thù, mang tính kết hợp đúng nghĩa giữa ngân hàng và bảo hiểm thì khi không còn đường “ép buộc” khách hàng được nữa, bancassurance chỉ còn ở trong tâm trí khách hàng với những mặt trái của nó như đã được cảnh báo mà thôi.