A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hiệp hội Sắn kêu cứu Thủ tướng, Tổng cục Thuế lên tiếng

Hai ngày sau khi Hiệp hội Sắn Việt Nam gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ngành có nguy cơ sụp đổ vì một yêu cầu liên quan đến việc hoàn thuế giá trị gia tăng, Tổng cục Thuế chính thức có phản hồi.

 

Hiệp hội Sắn kêu cứu Thủ tướng, Tổng cục Thuế lên tiếng - Ảnh 1.

Diện tích sắn trên cả nước hiện khoảng 530.000 ha, chủ yếu ở vùng trung du, miền núi (Ảnh minh họa)

Hôm 21/3, Hiệp hội Sắn Việt Nam có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, phản hồi về một văn bản của Tổng cục Thuế khiến ngành này gặp phải khó khăn rất lớn, có nguy cơ sụp đổ.

Theo văn bản trên, nguyên nhân là Tổng cục Thuế đã có công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3 về việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) với mặt hàng tinh bột sắn.

Theo đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế địa phương xác minh khách hàng nước ngoài dẫn đến việc dừng hoàn và truy thu tiền thuế VAT của doanh nghiệp xuất khẩu sắn. Trong khi pháp luật hiện hành về truy thu tiền thuế VAT không có quy định hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn.

Sắn là 1 trong 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt 1,35 tỷ USD với sự tham gia của 1,2 triệu lao động.

Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam

Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu cũng không có nghĩa vụ cũng như năng lực xác minh đối tác nước ngoài khi ký hợp đồng.

Do đó, Hiệp hội Sắn cho rằng, nếu công văn số 632 thực thi thì các doanh nghiệp ngành sắn sẽ bị phá sản mặc dù các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đúng pháp luật.

Công văn nêu trên sẽ ảnh hưởng đến hơn 1,2 triệu người lao động ngành sắn và hàng trăm đơn vị sản xuất sẽ phải dừng thu mua cho bà con trồng sắn, gây mất ổn định kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương.

Ngoài ra, Hiệp hội Sắn cho biết, trước đó Thủ tướng cũng có hai văn bản vào tháng 8/2021 và tháng 01/2022 chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương giải quyết vướng mắc về hoàn thuế VAT cho ngành sắn. Tuy nhiên đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết mà còn khó khăn hơn khi Tổng cục Thuế ban hành văn bản 632.

TỔNG CỤC THUẾ NÓI GÌ?

Trước những thông tin trên, tối 23/3, Tổng cục Thuế vừa chính thức lên tiếng để lý giải cho quyết định của mình, làm rõ vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua, trong công tác quản lý thuế, cơ quan này nhận thấy một số dấu hiệu nghi vấn trong hồ sơ hoàn thuế VAT của một số doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc. Các hồ sơ này không đáp ứng điều kiện về hoàn thuế VAT.

Theo đó, thông tin trả lời xác minh từ các cơ quan thuế nước ngoài qua cơ chế phối hợp đã phát hiện có một số doanh nghiệp nhập khẩu tinh bột sắn tại Trung Quốc không còn tồn tại hoặc đã bỏ trốn mất tích từ lâu.

Ngoài ra, chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên người mua hàng, chuyển khoản thông qua ngân hàng biên giới không đúng quy định về điều kiện thanh toán để được hoàn thuế,…

Do đó, để công tác quản lý hoàn thuế VAT đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 07/3/2022 chỉ đạo nội bộ Cơ quan Thuế thực hiện các công việc liên quan đến công tác quản lý hoàn thuế.

Trong đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế kiểm tra, rà soát và đối chiếu các doanh nghiệp trên địa bàn có kê khai phát sinh giao dịch mua bán với các doanh nghiệp, tổ chức có tên trong tài liệu xác minh từ cơ quan thuế Trung Quốc để thực hiện ngay các biện pháp nghiệp vụ.

Cụ thể là xác định rõ số kỳ hoàn, số tiền thuế đã hoàn, số thuế đang đề nghị hoàn.

Một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách khuyến khích của nhà nước để làm giả hồ sơ giấy tờ, kê khai khống hóa đơn,… nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT. Một số vụ việc điển hình đã được cơ quan công an phối hợp xử lý như: Công ty TNHH JUNMA Phú Thọ, CTCP phát triển nhà Thủ Đức…

Tổng cục Thuế

Trong trường hợp xác định có hành vi vi phạm, không đủ điều kiện về hoàn thuế VAT thì kịp thời xử lý thu hồi tiền hoàn thuế về ngân sách nhà nước, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì củng cố hồ sơ hành vi vi phạm chuyển qua công an điều tra, khởi tố.

Bên cạnh đó, đối với các hồ sơ hoàn thuế đã có kết quả trả lời xác minh của cơ quan thuế nước ngoài (đơn vị nhập khẩu không tồn tại hoặc có tồn tại nhưng không thừa nhận nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam...) thì cục thuế xác định dấu hiệu gian lận hoàn thuế, thu thập hồ sơ liên quan chuyển cơ quan công an đề nghị điều tra xử lý. Khi có kết luận của cơ quan công an và các cơ quan có liên quan thì cục thuế xử lý hồ sơ hoàn thuế theo quy định.

Cũng theo Tổng cục Thuế, liên quan đến văn bản số 632, trước đó, ngày 10/12/2021, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Sắn Việt Nam cùng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.

Tại cuộc họp, Tổng cục Thuế đã giải đáp các vướng mắc với Hiệp hội Sắn. Theo đó, các doanh nghiệp nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, thủ tục về hoàn thuế thì được hoàn thuế từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Từ đó, Tổng cục Thuế khẳng định nội dung chỉ đạo tại Công văn 632/TCT-TTKT là nhất quán với nội dung trao đổi, chỉ đạo của đơn vị này tại cuộc họp với Hiệp hội Sắn về điều kiện, thủ tục để được hoàn thuế từ ngân sách nhà nước.


Tác giả: Theo Tuấn Việt
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết