A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cơ hội phát triển thành phố sáng tạo âm nhạc Đà Lạt

Tin vui khi TP Đà Lạt (Lâm Đồng) chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) ở lĩnh vực âm nhạc, đúng dịp kỷ niệm Ngày Các thành phố thế giới (31-10-2023). Sự kiện này góp phần tạo đà cho những kế hoạch hành động của chính quyền và nhân dân nơi đây, khi đặt mục tiêu đưa Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch văn hóa di sản quốc tế.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đơn vị phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng xây dựng hồ sơ trình UNESCO và triển khai các kế hoạch hành động cho Đà Lạt.

Phóng viên (PV): Tại sao lại chọn Đà Lạt là thành phố sáng tạo âm nhạc và nên gia nhập UCCN, thưa bà?

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương: Đây cũng chính là vấn đề mà chúng tôi phải thuyết phục các thành phố thành viên UCCN trong quá trình xây dựng hồ sơ. Trước hết, gia nhập UCCN sẽ giúp Đà Lạt hội nhập chung vào xu thế của toàn cầu, mở ra hàng loạt quan hệ hợp tác, đối tác địa phương và quốc tế trong việc xây dựng thương hiệu mới trên cơ sở phát huy tài nguyên đa dạng của thành phố, đáp ứng sự phát triển bền vững của Đà Lạt.

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương. 

Một yếu tố hấp dẫn là Đà Lạt được đặt tên theo cách ghép các chữ cái đầu của một câu thơ của André Morval: “Dat Alliis Laetitium Alliis Temperriem” (có nghĩa nơi đây cho người này niềm vui, người kia sự tươi mát). Đà Lạt ngày nay vẫn mang đến điều đó nhưng trong sự phát triển đô thị hóa nhanh chóng, nơi đây đang dần bị biến đổi bởi nhiều tác động thiếu bền vững. Do đó, đưa Đà Lạt trở thành một thành phố sáng tạo chuyên nghiệp cũng nhằm để khắc phục những hạn chế đang tồn tại.

Mặt khác, âm nhạc đã xuất hiện từ rất lâu ở Đà Lạt. Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 300 bài hát viết về Đà Lạt. Nhiều nghệ sĩ cống hiến và sáng tạo sống ở đây đã khẳng định tên tuổi, điển hình như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... Âm nhạc xuyên suốt trong quá trình phát triển Đà Lạt và trở thành sợi dây kết nối các dân tộc. Âm nhạc cũng trở thành một trong những nguồn thu kinh tế mũi nhọn cho Đà Lạt, vào mỗi dịp cuối tuần với gần 30 sân khấu ca nhạc hoạt động khắp thành phố. Chất âm nhạc chảy trong con tim của người dân và du khách.

PV: Chưa có những hình mẫu để tiến hành nghiên cứu và lập hồ sơ tại Việt Nam. Vậy ban soạn thảo có gặp khó khăn gì?

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương: Cũng như quá trình lập hồ sơ cho Hà Nội gia nhập UCCN lĩnh vực thiết kế, chúng tôi bám sát tiêu chí hồ sơ, đặc biệt là sự tham gia của các chủ thể đang thường xuyên thực hành, sáng tạo âm nhạc, mà nổi bật là cộng đồng 19 dân tộc nơi đây. Đây là yếu tố cốt lõi, bởi tiếng nói của người dân địa phương, tính biểu đạt văn hóa, âm nhạc là căn cứ khoa học để các chuyên gia chấm điểm và xem điểm yếu là gì để có những đóng góp, khắc phục.

Sân khấu âm nhạc Mây lang thang mở ra không gian thưởng thức âm nhạc thơ mộng tại Đà Lạt. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong quá trình xây dựng hồ sơ, chúng tôi đã tham khảo kinh nghiệm của thành phố Daegu (Hàn Quốc). Đây là thành phố từng chịu nhiều thương đau do chiến tranh, nhưng giờ lại trở thành một thành phố âm nhạc bậc nhất của Hàn Quốc và được thế giới biết đến. Quá trình xây dựng hồ sơ, các chuyên gia, nhà sản xuất và nghệ sĩ biểu diễn của Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm với Đà Lạt để làm sao có thể phát triển thành phố âm nhạc sáng tạo nhưng phát triển trên nền tảng truyền thống dân tộc.

Một điểm yếu là Đà Lạt hiện chưa có trường đào tạo về âm nhạc uy tín; giáo dục âm nhạc trong các bậc học phổ thông cũng chưa được chú trọng. Nhưng bù lại, các ca đoàn lại vô cùng mạnh, có thể huy động được khoảng 8.000-10.000 người biểu diễn nếu tổ chức sự kiện lớn về âm nhạc. Đây cũng chính là điều bất ngờ cho chúng tôi trong quá trình nghiên cứu xây dựng hồ sơ. Vì vậy, nếu Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc thì chúng ta có thể biến những thách thức thành cơ hội.

PV: Làm thế nào thu hút được mọi người tham gia, để Đà Lạt thực sự trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc?

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương: Trong hồ sơ đăng ký gia nhập UCCN, Đà Lạt đã đặt ra những cam kết để mọi người tham gia. Trước hết chính quyền và người dân phải giải quyết các thách thức về giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, về đô thị hóa, môi trường; nâng cao nhận thức trong giữ gìn di sản, văn hóa, du lịch... Bên cạnh đó, tìm sự kết nối hợp tác với các nhà sản xuất, doanh nghiệp, nghệ sĩ trong và ngoài nước để khi gia nhập UCCN thì từ chính quyền đến người dân-chủ thể thực hành sáng tạo âm nhạc phải làm sao phối hợp được với nhau. Khi cơ chế hợp tác công-tư rõ ràng, hoạt động xã hội hóa minh bạch thì chắc chắn sự đa dạng hóa trong phát triển kinh tế lấy giải pháp sáng tạo âm nhạc là trung tâm sẽ phát huy hiệu quả và làm phong phú hơn đời sống của thành phố dựa trên các tiêu chí bền vững.

PV: Kế hoạch hành động và tầm nhìn cho một thành phố sáng tạo âm nhạc Đà Lạt là gì, thưa bà?

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương: Một trong những sáng kiến được nêu trong hồ sơ thành phố sáng tạo chính là củng cố và phát triển mạng lưới không gian sáng tạo tại Đà Lạt, do chính quyền địa phương hợp tác với các công ty tư nhân và cộng đồng sáng tạo thực hiện trong vòng 4 năm. Ở sáng kiến này có một hợp phần xây dựng bản đồ nghệ thuật âm nhạc Đà Lạt. Theo đó, sáng kiến đa phương tiện này nhằm xác lập, quảng bá về cảnh quan âm nhạc phong phú và đặc sắc, tích hợp các yếu tố đặc trưng văn hóa, con người, vùng đất, động thực vật... của Đà Lạt. Nó cũng thúc đẩy sự hình thành của một hệ sinh thái sáng tạo âm nhạc. Sau cùng, bản đồ sẽ định hướng thiết lập Đà Lạt với tư cách là một thành phố nghệ thuật và một trong những điểm đến về âm nhạc nổi bật trong nước và khu vực.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

UCCN được khởi xướng vào năm 2004 với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố lấy sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững. Tính đến năm 2023, đã có 354 thành phố trên thế giới gia nhập UCCN. Tại Việt Nam, Hà Nội là thành phố đầu tiên gia nhập UCCN vào năm 2019. Ngày 31-10-2023, Việt Nam có Đà Lạt (Lâm Đồng) và Hội An (Quảng Nam) gia nhập UCCN.

 


Tags: Đà Lạt
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết