Ngăn chặn thuốc lá điện tử xâm nhập trường học
Việc các loại hình thuốc lá mới như thuốc lá điện tử ngày càng phổ biến, độ tuổi sử dụng trẻ hóa đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của một bộ phận giới trẻ, trong đó, nhiều em đang ngồi trên ghế nhà trường. Tại Việt Nam, số liệu của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-15 tăng nhanh từ 3,5% (năm 2022) lên 8% (năm 2023). Đây là thực trạng đáng báo động và cần có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Nhiều bạn trẻ vẫn lầm tưởng thuốc lá điện tử ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Thực tế thì hút thuốc lá điện tử gây ra các tác hại nghiêm trọng như tổn thương đường hô hấp, tăng nguy cơ bị ngộ độc, co giật, thậm chí là xuất hiện ảo giác. Đặc biệt, đối với người trẻ tuổi, việc sử dụng thuốc lá điện tử sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Bên cạnh đó, những sản phẩm kém chất lượng hoặc sử dụng thời gian dài có thể khiến người dùng bị thương do cháy, nổ thiết bị sạc điện.
Trẻ vị thành niên sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng nhanh. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh trẻ vị thành niên sử dụng thuốc lá điện tử nơi công cộng. Tại các trường học hay các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, dù nhà trường đã có những biện pháp ngăn ngừa, nhưng không ít em vẫn lén dùng thuốc lá điện tử. Cô Bùi Thị Hoài Thanh, giáo viên Trường THCS Mễ Trì (Hà Nội), cho biết: “Tại trường và lớp do tôi chủ nhiệm đều có trường hợp học sinh sử dụng thuốc lá điện tử. Nhà trường dựa vào mức độ vi phạm của học sinh để đưa ra phương án kỷ luật phù hợp”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ việc học sinh chưa hiểu rõ về tác hại của thuốc lá điện tử. Các em có tâm lý tò mò khi thấy bạn bè sử dụng hoặc bắt chước người lớn hút thuốc lá điện tử. Một số học sinh chia sẻ rằng, các em bị bạn bè dụ dỗ, lôi kéo dùng thử loại thuốc lá mới.
Lê Quang Minh, 15 tuổi, sống tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) bộc bạch, vì sợ bị cô lập, lạc lõng trong nhóm bạn nên khi thấy các bạn sử dụng thuốc lá điện tử, em cũng hút thử. Sau vài lần như vậy, em dần bị phụ thuộc vào loại thuốc lá này. Mặc dù đôi khi bị ho khan, khó thở, mũi, họng đau rát nhưng nếu không được hút, em có cảm giác miệng khô đắng, khó chịu.
Nhà trường, gia đình và xã hội cần chung tay để ngăn chặn những tác động xấu của thuốc lá điện tử đến thế hệ trẻ. Cô giáo Bùi Thị Hoài Thanh cho rằng, nhà trường, giáo viên kết hợp cùng phụ huynh trong việc tăng cường giáo dục học sinh là một trong những giải pháp hiệu quả giúp hạn chế việc các em tiếp xúc, bị lôi kéo sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ trò chuyện riêng để tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân và yêu cầu học sinh cam kết không tái phạm. Các thầy cô cũng trao đổi trực tiếp với phụ huynh để cùng tìm ra giải pháp hiệu quả nhất giúp quản lý, giáo dục các em ở trường cũng như khi về nhà.
Hiện nay, một số trường học đã triển khai các buổi tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử cho học sinh thông qua các hình thức, như: Bài giảng trên lớp, hoạt động ngoại khóa, áp phích, tranh ảnh, video clip... Các nội dung tuyên truyền được trình bày một cách sinh động, hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, chú trọng cung cấp kiến thức, kỹ năng để học sinh nhận biết tác hại của thuốc lá điện tử nói riêng, các chất kích thích, độc hại khác và cách chủ động phòng tránh.
HÀ LINH