A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch bệnh bạch hầu

Vừa qua, tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã có trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu. Cùng với đó, tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có trường hợp mắc bệnh bạch hầu do tiếp xúc gần với bệnh nhân nói trên tại Nghệ An. Ngày 8-7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Nghệ An và Sở Y tế tỉnh Bắc Giang về việc chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu.

Theo công văn gửi các địa phương, Cục Y tế dự phòng đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan ra cộng đồng. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn; thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét ngay khi có vaccine, lưu ý các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực đi lại khó khăn.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị. Tổ chức theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo; thường xuyên vệ sinh thông thoáng lớp học, thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch...

 Để phòng chống bệnh bạch hầu biện pháp tốt nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn

Theo bác sĩ Phan Văn Mạnh, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương): Bệnh bạch hầu thuộc nhóm B, là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Nguồn gây bệnh bạch hầu là các bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

Bệnh bạch hầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, gọi là bạch hầu ác tính, nếu không được điều trị kịp thời. Các biến chứng thường gặp nhất là biến chứng tim (thường là viêm cơ tim và rối loạn dẫn truyền trong tim) và thần kinh (gây liệt). Ngoài ra, có thể gặp biến chứng trên thận, gan, tuyến thượng thận... Do đó, vaccine bạch hầu có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể tránh nhiễm bệnh và làm giảm tỷ lệ mắc bệnh trong dân số. Trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ vaccine (bạch hầu-ho gà-uốn ván) theo chương trình tiêm chủng. Người lớn nên tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu 10 năm/lần để củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.                                 

Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có một trường hợp nữ bệnh nhân (18 tuổi) trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn tử vong do bệnh bạch hầu. Ngành y tế Nghệ An và huyện Kỳ Sơn xác định 119 trường hợp tiếp xúc bệnh nhân nói trên trú tại hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. Trong đó, có hai người đã rời khỏi địa bàn, ra tỉnh Bắc Giang làm việc. Hiện tại, một người có biểu hiện đau họng và xét nghiệm cho kết quả dương tính với bạch hầu. Sau khi phát hiện ca bệnh, ngành y tế Nghệ An cùng chính quyền địa phương đã và đang tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh bạch hầu.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã thành lập đội phản ứng nhanh cơ động lên huyện Kỳ Sơn vào sáng 5-7 để hỗ trợ công tác điều tra và phòng, chống dịch bệnh, đồng thời chỉ đạo tăng cường hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cùng các biện pháp phòng, chống để người dân tự giác, chủ động phòng tránh.

Tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất tử vong có thể... Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch (nếu có) và khuyến cáo người dân tiêm phòng vaccine có thành phần bạch hầu tại các điểm tiêm dịch vụ đối với những đối tượng không được tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

DIỆP CHÂU -  TUẤN HOÀNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết