A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Góc nhìn giáo dục: Điểm chuẩn như “đánh bạc”

Không ít phụ huynh buồn bã thốt lên như vậy khi Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập.

Đáng chú ý là pha giảm sâu kỷ lục 16,25 điểm so với năm ngoái của Trường THPT Đoàn Kết-Hai Bà Trưng đã gây sốc cho nhiều người.

Sự chênh lệch điểm chuẩn khó lường giữa các trường, giữa năm trước và năm sau khiến phụ huynh và học sinh dù đã có nhiều suy tính kỹ lưỡng trong việc đăng ký nguyện vọng cũng lao đao, không kịp trở tay. Việc đặt nguyện vọng kiểu này với họ chẳng khác gì như đang “đánh bạc” với tương lai của con mình.

Có thể thấy, từ năm 2018 đến nay, điểm chuẩn vào lớp 10 ở Hà Nội mới lại có biến động lớn và nhiều bất ngờ đến vậy. Bất ngờ không chỉ có việc nhiều trường giảm điểm chuẩn vào lớp 10 so với năm 2023 từ 1 tới gần 4 điểm mà ngay cả những trường tốp đầu như: THPT Chu Văn An, THPT Việt Đức, THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm, THPT Phan Đình Phùng... cũng lung lay vị trí. Ở chiều ngược lại, những trường trong tốp “đội sổ” năm nay điểm lại tăng vọt.

Ảnh minh họa / Vietnam+ 

Điểm chuẩn vào lớp 10 năm nay ở Hà Nội biến động khó lường, không theo một xu hướng cụ thể nào và chưa phản ánh chính xác chất lượng của từng trường. Lý do được một số trường đưa ra là vì những năm trước, điểm chuẩn vào các trường này cao nên năm nay tâm lý của học sinh là “né” và tìm phương án an toàn hơn. Để đánh giá toàn diện sự biến động này, cần xem xét đề thi và phổ điểm, nhưng tiếc rằng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội không công khai các thông số phổ điểm.

Những biến động khó lường này có thể là do người học thiếu thông tin, dự báo một cách khoa học và minh bạch. Điều này khiến các gia đình khó lòng đưa ra quyết định chính xác. Trong khi số lượng học sinh tham gia kỳ thi ngày càng tăng, số chỗ trống tại các trường công lập không tăng đáng kể. Chỉ có 61% trong số hơn 106.000 thí sinh được vào học trường công lập, cho thấy việc đăng ký nguyện vọng ẩn chứa đầy rủi ro.

Việc coi đăng ký nguyện vọng như một canh bạc không chỉ gây ra áp lực lớn về tâm lý cho phụ huynh và học sinh mà còn ảnh hưởng đến tương lai của các em. Những quyết định thiếu cơ sở, cùng tâm lý an toàn và chắc chắn là mục tiêu cao nhất, thay vì lựa chọn chất lượng đào tạo có thể dẫn đến việc học sinh phải học ở những môi trường chưa phù hợp, gây lãng phí tài năng và tiềm năng của các em.

Để không lặp lại những bất ngờ kiểu này, cần thiết phải có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để hỗ trợ phụ huynh và học sinh trong quá trình chọn nguyện vọng, giúp họ đưa ra quyết định đúng đắn, bảo đảm tương lai học tập và phát triển của con em. Những biến động bất ngờ cần được các nhà quản lý phân tích kỹ lưỡng dựa trên dữ liệu đáng tin cậy, thay vì phỏng đoán. Kỳ thi không chỉ nhằm tuyển chọn mà còn là công cụ để các nhà quản lý đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh chính sách và định hướng chiến lược.

THÁI AN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết