Bệnh bạch hầu: Nguy cơ lây lan ra cộng đồng thấp
Theo các chuyên gia dịch tễ, bệnh bạch hầu dù nguy hiểm nhưng nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất thấp. Do đó, người dân không nên hoang mang nhưng cũng không được chủ quan.
Ngày 9-7, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, nữ bệnh nhân MTB (là một trong hai người tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu đã tử vong tại Nghệ An) được Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 điều trị đã được đưa về y tế cơ sở tại Nghệ An tiếp tục cách ly và theo dõi. Hiện bệnh nhân không còn các dấu hiệu lâm sàng, được sử dụng kháng sinh để diệt các vi khuẩn bạch hầu, ngăn ngừa vi khuẩn phát triển tăng nặng, sức khỏe người bệnh tương đối ổn định.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, những năm gần đây, Bệnh viện vẫn tiếp nhận ca mắc bệnh bạch hầu từ tuyến dưới. Năm 2023, Bệnh viện cũng tiếp nhận một số bệnh nhân tại tỉnh Hà Giang, Điện Biên, phần lớn ca mắc nhẹ. Bệnh bạch hầu là một bệnh nguy hiểm, đặc biệt với nhóm chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc hiệu lực bảo vệ vaccine đã hết, nguy cơ tử vong trong trường hợp này là 10-20%.
"Tỷ lệ tử vong bệnh bạch hầu cao hơn so với dịch Covid-19. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm thấp hơn rất nhiều. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Hoặc lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu. Bệnh có thể xuất hiện ở rải rác các vùng, nhưng không thể gây ra một đại dịch như Covid-19, vì vậy, người dân cũng không nên quá lo lắng", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.
Ảnh minh họa: VGP |
Thông tin thêm về bệnh bạch hầu, PGS, TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ em và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vaccine đầy đủ. Vi khuẩn khu trú ở đường hô hấp trên tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân, nguy cơ tử vong do biến chứng tắc đường thở và viêm cơ tim.
Theo PGS, TS Đỗ Duy Cường, nguy cơ bệnh bạch hầu lây lan ra cộng đồng là không lớn, các ca bệnh hiện nay phát hiện mang tính chất lẻ tẻ do hầu hết đối tượng trẻ em hiện nay đều đã được tiêm phòng vaccine khi còn nhỏ. Chỉ có những trẻ chưa được tiêm phòng vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ theo lịch tiêm chủng thì mới có khả năng mắc bệnh. Thông thường, sau khi ủ bệnh từ 2 đến 5 ngày, người bệnh thường có triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, ăn kém, da xanh, chảy nước mũi, họng hơi đỏ.
Đặc biệt, khám họng thấy amidan có giả mạc trắng, lúc đầu nhỏ sau lan dần ra bao trùm họng và lưỡi gà, màu trắng, dai, bóc ra dễ chảy máu, hạch cổ sưng to làm cho cổ bạnh ra (bạch hầu họng). Sau có thể dẫn đến các triệu chứng nặng như viêm cơ tim, viêm thanh quản (gây khàn tiếng, ho, thở rít), suy hô hấp, ngạt thở, suy thận, tổn thương thần kinh. Nếu không được điều trị bằng thuốc đặc hiệu thì có thể dẫn tới tử vong.
Các chuyên gia lý giải, bệnh bạch hầu vẫn xuất hiện mỗi năm do tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh này thấp, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, nhiều trẻ được tiêm vaccine có chứa thành phần bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT...) đầy đủ trong hai năm đầu đời, nhưng không được tiêm nhắc lại khi lớn lên, gây khoảng trống miễn dịch. Khả năng bảo vệ từ các mũi vaccine bạch hầu, uốn ván, ho gà không tồn tại bền vững mà giảm dần theo thời gian. Vì vậy, nên tiêm nhắc 5-10 năm một lần, vào các mốc lúc trẻ 4-5 tuổi, 10 tuổi, trên 15 tuổi hoặc tiêm vét khi có dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.
Do đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bệnh. Bảo đảm nhà ở thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng...
HÀ VŨ