A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Miễn, giảm học phí

Trước thềm năm học mới 2024-2025, HĐND một số địa phương đã ban hành nghị quyết về việc miễn, giảm học phí cho học sinh.

TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng tiếp tục miễn toàn bộ học phí cho học sinh các cấp từ mầm non đến THPT; tỉnh Vĩnh Phúc giảm 50% học phí so với năm học trước; tỉnh Long An cũng giảm 50% học phí với trẻ mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, miễn 100% học phí với học sinh THCS các trường công lập trên địa bàn...

Đón nhận thông tin này, đông đảo phụ huynh, học sinh và người dân rất vui. Niềm vui không chỉ đến từ việc một phần gánh nặng chi phí được giảm bớt, tạo thêm cơ hội học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mà quan trọng hơn, bởi họ cảm nhận được sự quan tâm, chăm lo thiết thực của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với sự nghiệp giáo dục.

Một số địa phương đã ban hành nghị quyết về việc miễn, giảm học phí cho học sinh. Ảnh minh họa: chinhphu.vn

Giáo dục là lĩnh vực liên quan đến mọi gia đình vì mọi gia đình đều có con em, người thân đã, đang hoặc sẽ là học sinh, sinh viên. Đây cũng là một trong những lĩnh vực thể hiện rõ nhất bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Chăm lo cho giáo dục, vì vậy, ngoài ý nghĩa chăm lo cho “quốc sách hàng đầu”, còn là việc làm yên dân, góp phần quan trọng củng cố tình cảm, niềm tin của người dân vào các cấp ủy đảng, chính quyền, vào chế độ.

Có nhiều việc cần làm để chăm lo cho giáo dục, trong đó có việc miễn, giảm học phí. Phải khẳng định rằng, miễn, giảm học phí là chủ trương rất nhân văn, thiết thực, hợp lòng dân.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, các địa phương thường khẳng định mục tiêu “làm sao để mọi người dân đều được hưởng thành quả của sự phát triển”. Nếu thế, càng nên giảm, tiến tới miễn học phí, bởi như trên đã phân tích, vì giáo dục liên quan đến mọi người, mọi nhà!

Có người băn khoăn lấy tiền đâu để miễn, giảm học phí? Xin thưa, khoản kinh phí địa phương bỏ ra hằng năm để miễn, giảm học phí tuy không nhỏ nhưng nếu kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát, cắt giảm những khoản chi không thực sự cần thiết... thì hoàn toàn có thể cân đối ngân sách để thực hiện. Thời gian qua, không ít địa phương mặc dù “nghèo”nhưng vẫn thực hiện hiệu quả việc miễn, giảm học phí, được người dân hết sức hoan nghênh. Điều đó cho thấy làm được điều này thì tỉnh “nghèo” hay “giàu” không phải yếu tố quyết định mà chủ yếu phụ thuộc vào tâm huyết, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu.

Cũng phải nói thêm, nếu học phí được miễn, giảm nhưng vẫn còn tình trạng “lạm thu” thì chủ trương này lại mất đi ý nghĩa. Vì vậy, cùng với miễn, giảm học phí, các địa phương phải chấn chỉnh, chấm dứt vấn nạn “lạm thu” đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.

PHƯƠNG HIỀN


Tags: học phí
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết