A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Mối quan hệ đặc biệt giữa CII và một công ty có vốn điều lệ giảm từ 900 tỷ xuống còn... 5 tỷ đồng sau 10 năm thành lập

Đó là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật VinaPhil (VPII), một công ty có mối quan hệ đặc biệt với CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII). Trong một thập kỷ, mối quan hệ giữa VPII và CII có thể được khái quát như sau: Công ty con - Công ty liên kết - Công ty con - "Người dưng".

Mối quan hệ đặc biệt giữa CII và một công ty có vốn điều lệ giảm từ 900 tỷ xuống còn... 5 tỷ đồng sau 10 năm thành lập - Ảnh 1.

Ngày 24/10/2012, VPII được thành lập với vốn điều lệ 900 tỷ đồng, trong đó CII sở hữu 99,99%. Hoạt động kinh doanh chính là đầu tư hạ tầng. Ở thời điểm đó, ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc của CII đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT tại VPII.

Ngành nghề kinh doanh chính của VPII được thể hiện trên BCTC của CII là xây dựng các công trình giao thông đường sắt, đường bộ. 

5 ngày sau khi thành lập, VPII đăng ký mua gần 17 triệu cổ phiếu CII, tương đương 15% vốn của CII lúc bấy giờ.

Theo như giải trình của VPII khi đó, việc mua 15% cổ phần CII đã được xác định rõ trong định hướng chiến lược phát triển của công ty ngay từ khi thành lập. Cụ thể, VPII dự kiến sẽ triển khai các dự án hạ tầng dọc theo quốc lộ 1A.

Công ty cho hay, với việc đầu tư một dự án cơ sở hạ tầng phải mất thời gian 4 năm mới khai thác được. Bởi vậy, để tận dụng số vốn nhàn rỗi trong quá trình triển khai dự án hạ tầng để đầu tư, ĐHĐCĐ VPII thống nhất chỉ mua 15% cổ phiếu CII.

Tuy nhiên, việc mua cổ phiếu bất thành do Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) yêu cầu tạm hoãn vì chưa có quy định rõ ràng về việc công ty con mua cổ phần của công ty mẹ.

Để giải quyết khúc mắc về vấn đề công ty con mua cổ phần của công ty mẹ, CII thoái một phần vốn tại VPII, giảm tỷ lệ sở hữu về 49,5%, đưa VPII trở thành công ty liên kết.

Từ ngày 01/01/2013, Vinaphil đã xuất hiện trên BCTC của CII chỉ là công ty liên kết, với giá trị đầu tư thuần là 442 tỷ đồng, sau đó giảm còn 293 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2013.

Mối quan hệ đặc biệt giữa CII và một công ty có vốn điều lệ giảm từ 900 tỷ xuống còn... 5 tỷ đồng sau 10 năm thành lập - Ảnh 2.

Trích BCTC hợp nhất 2013 kiểm toán của CII

Như kế hoạch trước đó đã định, VPII đã sở hữu được 15% cp của CII, tương đương 16,9 triệu cổ phiếu CII, trước khi bán bớt đi 6,9 triệu cổ phiếu CII vào tháng 8/2014.

Sau khi bán, VPII trong vai trò là công ty liên kết lại mua cổ phiếu CII. Đến 27/03/2015, theo Báo cáo thường niên CII, VPII là cổ đông lớn sở hữu 32,3 triệu cổ phiếu, tương đương 16,54% cổ phần của CII.

Việc VPII thực hiện các giao dịch bán - mua cp CII sau đó vẫn tiếp tục diễn ra. Từ cuối 2015 trở đi không thấy VPII xuất hiện với tư cách là cổ đông lớn (sở hữu trên 5% cổ phần có quyền biểu quyết) trên Báo cáo thường niên của CII.

Ngày 16/01/2017, CII tăng tỷ lệ sở hữu tại VPII lên 99,97%. Một lần nữa VPII lại trở thành công ty con của CII và được hợp nhất trong báo cáo tài chính năm 2017. Ngành nghề kinh doanh của VPII lúc này được trình bày trong BCTC của CII là đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Sau hơn một thập kỷ "khắc nhập - khắc xuất", cuối cùng đến tháng 11/2022, CII cũng quyết định "dứt áo" hoàn toàn khỏi VPII. Lý do của việc này được CII thông báo là nhằm "cấu trúc danh mục đầu tư của Công ty".

Mối quan hệ đặc biệt giữa CII và một công ty có vốn điều lệ giảm từ 900 tỷ xuống còn... 5 tỷ đồng sau 10 năm thành lập - Ảnh 3.

Trích thông báo của CII

Điều đáng nói, theo thông tin đăng ký kinh doanh mới nhất, vốn điều lệ của VPII còn lại 5 tỷ đồng. Như vậy, từ mức 900 tỷ đồng lúc mới thành lập năm 2022, sau 10 năm, vốn điều lệ của VPII chỉ còn lại vỏn vẹn 5 tỷ đồng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết