Doanh nghiệp cần tiếp sức
Tình hình sản xuất của số đông doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn do thị trường thu hẹp, chi phí đầu vào tăng, thiếu nguồn vốn. Điều doanh nghiệp cần lúc này là Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp.
Đề cập tới những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế-xã hội của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Thực trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định mới về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực. Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp vẫn còn phổ biến. Tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông trong thời gian qua cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Mặc dù lãi suất bước đầu đã giảm nhưng doanh nghiệp cho rằng, muốn vay được cũng nhiều thủ tục rườm rà, khó tiếp cận. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào như nguyên, nhiên, vật liệu tăng khiến doanh nghiệp kinh doanh ngày càng khó khăn hơn...
Sản xuất các đơn hàng dệt may phục vụ xuất khẩu. Ảnh: TTXVN |
Ở khía cạnh khác, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho nền kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tính từ đầu năm 2022 đến hết tháng 4-2023, dự kiến giải ngân của chương trình này mới đạt khoảng 87.300 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nguồn lực của chương trình (301.000 tỷ đồng). Có thể thấy, nguồn vốn còn lại này khó có thể giải ngân hết từ nay tới cuối năm 2023, khi thời gian còn lại của chương trình chỉ còn vỏn vẹn vài tháng. Doanh nghiệp thiếu vốn để thúc đẩy sản xuất nhưng có một nguồn vốn lớn lại mắc kẹt trong ngân khố quốc gia là nghịch lý diễn ra lâu nay, gây lãng phí trong sử dụng nguồn lực.
Để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp đang rất cần những chính sách hỗ trợ để sớm vượt qua khó khăn. Doanh nghiệp kiến nghị, các cơ quan công quyền cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thi hành pháp luật; khẩn trương hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ cần sớm có giải pháp, chính sách phù hợp đối với cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, thuế carbon; tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc đối với những quy định về phòng cháy, chữa cháy; tiếp tục giải quyết dứt điểm vấn đề kiểm định xe cơ giới; xử lý những bất cập trong việc tiếp cận vốn... Đây sẽ là những giải pháp cụ thể, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân được thuận lợi, thông suốt.