Chuyện chuyển đổi số thành công ở công ty sản xuất ‘U70’: Tăng trưởng 20%/năm bất chấp Covid-19
Rạng Đông đã có lịch sử hình thành là 62 năm, và bắt đầu chuyển đổi số từ năm 2020. Trước khi chuyển đổi số, Rạng Đông có cái mức độ tăng trưởng bình quân 8 – 10 %/năm. Và từ năm 2020 đến nay, bất chấp bối cảnh hết sức khó khăn của kinh tế vĩ mô, sau khi chuyển đổi số, Rạng Đông đã đạt được mặt bằng tăng trưởng mới, trên 20%.
Chia sẻ về việc chuyển đổi số của Rạng Đông tại một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Đoàn Kết – Phó Tổng giám đốc Công ty Rạng Đông cho biết: Với Rạng Đông, một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp truyền thống, bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số là chuyển đổi trong khâu sản xuất. Và ngay từ bước đầu này, mọi chuyện đã không hề đơn giản, với một nhà máy có lịch sử 62 năm.
‘Riêng máy móc, thiết bị đã có đủ nguồn gốc xuất xứ khác nhau, những thế hệ khác nhau. Làm thế nào để chuyển đổi số nó? Đầu tiên, phải nâng cao trình độ tự động hóa cho từng máy, nâng dần từ tự động hóa cơ giới lên tự động hóa điện tử. Sau đó đến áp dụng các công nghệ mới của máy tính và cuối cùng là thông minh hóa hệ thống’ - ông Nguyễn Đoàn Kết cho hay. ‘Việc tìm ra giải pháp phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của mình là điều rất quan trọng. Nhờ thế có thể thực hiện chuyển đổi số một cách có hiệu quả, và là doanh nghiệp thì chúng tôi cũng vẫn phải tư duy theo kiểu P&L (lãi/lỗ), và vẫn phải có Quick Win (lợi ích thấy ngay)’.
Ông Kết cũng cho biết, để tạo ra một môi trường mà tất cả các thành viên đều tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, Rạng Đông đã agile hóa, chuyển đổi từ mô hình phân cấp chức năng tuyến tính, sang mô hình ma trận đa chức năng, dựa trên các đội nhóm xuất sắc và đặt ra các chỉ tiêu OKR. Mô hình này đã xóa nhòa các vách ngăn, phân cấp chức năng, tạo ra sự lôi kéo, buộc nhân sự phải học tập, để bắt nhịp vào chiến lược chuyển đổi số. Đó là cách làm mà Phó Tổng giám đốc này định nghĩa là ‘chuyển hóa tổ chức từ một mô hình cứng nhắc trở nên linh hoạt, mềm mại như một cơ thể sống’.
Đồng thời, lãnh đạo Rạng Đông cũng cho rằng, gốc rễ của chuyển đổi số thành công là đổi mới sáng tạo. Ở Rạng Đông có phong trào lao động sáng tạo, mỗi năm hai kỳ. Sau hai năm, số sáng kiến đổi mới sáng tạo trong sản xuất, cải tiến quy trình, thay đổi về sản phẩm, công nghệ… là 3.600, đến từ các nhân viên nghiệp vụ, công nhân. Trong đó, có tới 2.900 sáng kiến được hiện thực hóa, và tạo doanh thu.
‘Ở Rạng Đông, chúng tôi làm trước rồi truyền thông sau. Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ. Chúng tôi sờ trước, rồi thấy, rồi nghe. Làm ra kết quả, có quick win, chính là doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động. Có như thế mới tạo ra niềm tin, lôi cuốn được người lao động tham gia vào chiến lược chuyển đổi số, và tạo ra một vòng xoáy, tăng dần mức độ trưởng thành số’ - lãnh đạo Rạng Đông nói.
Với những kết quả từ chuyển đổi số từ năm 2020, Rạng Đông đã đạt được mặt bằng tăng trưởng mới trên 20% ngay cả trong Covid-19, cao hơn rất nhiều so với mức bình quân chỉ 8-10% trước đó.
2 điều khác biệt mà Rạng Đông đã làm được dưới góc nhìn tư vấn
Ông Nguyễn Đoàn Kết cho rằng, chuyển đổi số không có hình mẫu thành công chung cho tất cả doanh nghiệp, vì mỗi một doanh nghiệp có hoàn cảnh riêng và việc tìm ra con đường phù hợp là việc khó nhất. Do đó, để tìm ra phương pháp luận chuyển đổi số cho Rạng Đông, trên thực tế, ông và ban lãnh đạo đã phải nghiên cứu nhiều mô hình chuyển đổi số của các tập đoàn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, Rạng Đông đã nghiên cứu những mô hình Acatech của Đại học Colombia, trong đó có 6 bước chuyển đổi là: Computerisation - máy tính hóa, Connectivity - kết nối, Visibility - hiển thị, Transparency - minh bạch hóa, Predictive Capacity - có năng lực dự báo và cuối cùng là Adaptability - có năng lực thích ứng. Công ty này cũng nghiên cứu mô hình của David Rogers của Đại học Colombia, mô hình của Microsoft…
‘Trên cơ sở nghiên cứu và hiểu thấu đáo bản chất của các mô hình này, doanh nghiệp cần tư duy một cách bài bản, logic và tìm ra con đường chuyển đổi số của riêng mình, phù hợp với trình độ nguồn nhân lực, công nghệ, quy trình và cả năng lực tài chính của mình’ - Phó Tổng giám đốc Rạng Đông nhấn mạnh.
Khi tìm ra được con đường như vậy, các điểm nghẽn khác về mặt cơ chế tổ chức, quản trị, văn hóa, vấn đề về công nghệ, về truyền thông sẽ được sắp xếp để giải quyết theo thứ tự ưu tiên. Và đó là cách Rạng Đông triển khai việc chuyển đổi số, để tháo các điểm nghẽn.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tư vấn, Phạm Anh Tuấn phân tích hai mấu chốt tạo nên thành công của Rạng Đông trong quá trình chuyển đổi số.
Thứ nhất, Rạng Đông đã sàng lọc ra phương pháp luận đúng đắn cho chuyển đổi số, không làm theo cảm tính hay phong trào. Đầu tiên là xây dựng ngôi nhà chuyển đổi số, sau đó là danh mục sáng kiến số.
Điều quan trọng thứ hai làm nên thành công này, theo chuyên gia, Rạng Đông là doanh nghiệp có tinh thần làm chủ (ownership) rất cao.
‘Vai trò tư vấn của chúng tôi không phải chỉ là làm vài phân tích, khảo sát rồi gửi báo cáo cho họ đọc - cách này sẽ không hiệu quả. Tổ tư vấn của chúng tôi tham gia trực tiếp vào các cuộc thảo luận giữa ban lãnh đạo với quản lý cấp trung và đội ngũ thực thi chuyển đổi số của công ty, cung cấp các công cụ và phương pháp, giúp họ hiểu và ứng dụng được vào sản phẩm mới, và đưa ra các đánh giá khách quan. Đến thời điểm hiện tại thì tự Rạng Đông đã có thể xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, áp dụng công cụ và người tư vấn chỉ còn góp ý kiến thôi’ - ông Tuấn cho biết.