Thúc đẩy sáng tạo khoa học-công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội
Nhằm khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học-công nghệ (KHCN) trên toàn quốc, từ năm 1995, Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH-KT) Việt Nam và Quỹ Vifotec tổ chức lần đầu tiên. Đến nay, qua 28 lần tổ chức, hàng nghìn công trình đoạt giải đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Hàng nghìn công trình khoa học ứng dụng vào cuộc sống
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ Quỹ Vifotec cho biết: Sau 28 lần tổ chức, Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam đã có 3.052 công trình tham dự giải và 1.028 công trình đoạt giải. Từ năm 2001 đến 2022, đã có 30 công trình được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng Huy chương vàng WIPO. Các công trình khoa học tham dự giải thưởng là những kết quả đã được đánh giá nghiệm thu của các đề tài, dự án thuộc những chương trình KHCN cấp nhà nước và cấp bộ, ngành, địa phương. Các đề tài, dự án tập trung vào những lĩnh vực KHCN trọng điểm như: Công nghệ sinh học; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí và tự động hóa; công nghệ vật liệu; công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Công nhân Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam (Busadco) thi công công trình bờ kè Hồ Hoàn Kiếm. |
Trong số hàng nghìn công trình đoạt giải đã và đang ứng dụng hiệu quả trong cuộc sống, có thể kể đến công trình kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm do Công ty Cổ phần KHCN Việt Nam (Busadco) thực hiện từ tháng 6-2020 với tổng chiều dài khoảng 1.500m, hoàn thành sau 65 ngày, trước tiến độ gần một tháng. Công trình đã xử lý dứt điểm tình trạng sụt lún bờ hồ, mang lại hiệu quả cao về kỹ thuật, kinh tế và văn hóa. Công trình này đoạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2021 và Giải đặc biệt Cuộc thi Sáng tạo sáng chế quốc tế iCAN 2022 do Hiệp hội Đổi mới và kỹ năng nâng cao quốc tế Toronto (TISIAS), Liên đoàn các Hiệp hội Phát minh và Sáng chế quốc tế (IFIA), Hiệp hội Sáng chế và Sở hữu trí tuệ thế giới (WIIPA) phối hợp tổ chức.
Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam đánh giá: Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam là một trong những giải thưởng hàng đầu cả nước về KHCN, tạo tiếng vang lớn trong giới khoa học, các tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp trên cả nước. Qua các năm, chất lượng những công trình đề tài dự thi ngày càng nâng cao, được đánh giá tốt bởi tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện hiện tại của đất nước và đem lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Giải thưởng đã và đang là niềm động viên, khích lệ lớn cho các nhà khoa học sáng tạo, cống hiến trí tuệ của mình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Khuyến khích công trình đoạt giải xây dựng dự án sản xuất thử nghiệm
Để ứng dụng nhanh hơn các công trình đoạt giải vào sản xuất và đời sống, theo TSKH Phan Xuân Dũng, Nhà nước cần có thêm một số chính sách về hỗ trợ kinh phí và trợ giá, miễn, giảm thuế, chính sách về đãi ngộ các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ và chuyên gia quản lý có nhiều đóng góp cho sự phát triển của KHCN. Bên cạnh đó, Nhà nước cần khuyến khích các công trình sau khi đoạt giải xây dựng thành những dự án sản xuất thử nghiệm, từ đó hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo KHCN.
TSKH Phan Xuân Dũng đề xuất Nhà nước có những biện pháp hiệu quả nhằm thực thi luật bản quyền trong KHCN, tránh hiện tượng “ăn cắp” bản quyền hoặc “giữ bí mật” công nghệ, từ đó tạo động lực phát triển trí tuệ và tài năng của các nhà khoa học để họ tạo ra nhiều sản phẩm KHCN có hiệu quả cao đáp ứng các nhu cầu của xã hội. TSKH Phan Xuân Dũng cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí để triển khai các công trình đoạt giải thưởng có nhiều ứng dụng đem lại hiệu quả cao vào sản xuất và đời sống thông qua Quỹ Vifotec.
Về phía Quỹ Vifotec, thời gian tới sẽ tập trung nâng cao chất lượng, uy tín của Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam, tiếp tục hướng trọng tâm vào các công trình thuộc những lĩnh vực KHCN có tính ứng dụng cao; một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ. Quỹ sẽ phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện cơ chế tài chính, xây dựng chính sách đối với các tài năng sáng tạo, hỗ trợ nuôi dưỡng nhân tài, hỗ trợ các nhà sáng tạo quảng bá sản phẩm ra nước ngoài để phong trào sáng tạo KHCN có được những thành tựu không chỉ tầm cỡ quốc gia mà còn mang tầm quốc tế.